Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về TP thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Giám đốc Công nghệ Công ty hệ thống thông tin FPT Phan Thanh Sơn về vấn đề này.
Thưa ông, với góc nhìn của của một chuyên gia công nghệ, theo ông, đâu là yếu tố được ưu tiên hàng đầu trong phát triển TP thông minh?
- Nhờ công nghệ mà ta cảm thấy được nhịp thở, sự sống của TP ở các góc độ khác nhau. Mỗi người dân đã và đang trở thành một cảm biến xã hội qua những thiết bị họ sử dụng, nhất là qua điện thoại thông minh. Đề cập áp dụng công nghệ để xây dựng TP thông minh thì cần đến nhiều tiêu chí, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh mạng.
Với 7 công ty thành viên của FPT, mỗi công ty lại cung cấp giải pháp an ninh cho mỗi đối tượng khách hàng. Bài toán về an ninh mạng cho các DN được đặt lên hàng đầu, nhất là các DN trong lĩnh vực ngân hàng. Ngoài đội ngũ an ninh mạng của từng công ty thành viên, FPT còn thành lập một Trung tâm an ninh số, có hàng chục chuyên gia hàng đầu của Việt Nam để nghiên cứu và xây dựng các giải pháp về an ninh mạng. Trong đó, có các giải pháp an ninh mạng đặc thù cho TP thông minh.
Được biết, FPT là tập đoàn tiên phong trong việc chuyển đổi số tại Việt Nam bởi có một đội ngũ chuyên gia và nhân viên tiến bộ. Song, đâu là thách thức lớn nhất đối với đội ngũ này trong đảm bảo an ninh, an toàn mạng, phục vụ mục tiêu phát triển TP thông minh, thưa ông?
- Bảo vệ an ninh mạng luôn là một cuộc chạy đua giữa những người có mục đích xấu với những chuyên gia an ninh. Trong xây dựng TP thông minh, chúng ta phải xây dựng các bài toán về công nghệ thông minh.
Thách thức lớn nhất của đội ngũ an ninh là phải đảm bảo an toàn cho hệ thống này. Để làm được điều đó, các chuyên gia về an ninh mạng cần phải có thời gian để tiếp nhận kiến thức về an ninh cho IOT (Internet vạn vật). May mắn là các chuyên gia trên thế giới đã sớm nhìn thấy xu hướng phát triển này và xây dựng được hệ thống an ninh mạng cho TP thông minh. Trước mắt chúng ta chỉ cần học hỏi và vận dụng một cách phù hợp những công nghệ ấy cho việc xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam.
Thưa ông, nói về TP thông minh, người ta thường bàn về vai trò của chính quyền trong việc tạo cơ chế, chính sách cởi mở để DN tham gia tích cực vào quá trình phát triển TP thông minh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Mô hình TP thông minh đã trải qua 3 thời kỳ. Thời kỳ đầu chủ yếu dựa vào các dự án CNTT nhỏ lẻ. Sau đó, người ta nhìn TP thông minh ở góc độ đúng hơn, đó là lấy người dân và DN làm trung tâm. Tuy nhiên tại thời điểm ấy, CNTT chưa “trưởng thành” để phục vụ bài toán quản trị TP thông minh.
Bên cạnh đó, chưa có sự gặp nhau giữa những người hoạch định đô thị, người điều hành đô thị và nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Đến giờ, những yếu tố trên mới được hội tụ và phát triển. Nhà điều hành đô thị và nhà cung cấp giải pháp công nghệ mới có sự “gặp nhau”.
Kinh nghiệm của các TP đã xây dựng thành công mô hình TP thông minh đó là cần phải có sự tham gia của toàn xã hội. Hay nói cách khác là sự hợp tác giữa công tư và sự tham gia tích cực của người dân, những chuyên gia, nhà khoa học. Sự kết hợp này nếu càng cởi mở, càng rộng thì sẽ mô hình TP thông minh sẽ ngày càng hoàn thiện, giúp các DN dù nhỏ cũng có thể tham gia vào đóng góp xây dựng TP.
Như ông nói, chúng ta cần huy động mọi nguồn lực để phát triển TP thông minh?
- Đúng vậy! Ngoài ra, một khía cạnh mà người ta ít quan tâm trong xây dựng mô hình TP thông minh đó là giới bất động sản. Phát triển TP thông minh thường gắn liền với quá trình đô thị hóa. Vì thế, chính quyền cần làm sao để có thể truyền cảm hứng cho chủ đầu tư các tòa nhà, khu đô thị, để họ thấy mình phải có trách nhiệm biến dự án của mình thành một tiểu đô thị thông minh. Từ đó, góp phần mang lại sự “thông minh” cho cả một TP lớn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!