Xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng là “Thành phố hoà bình”

Kinh tế & Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã gửi bài tham luận. Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội luôn là nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh, hội tụ, tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn liền với vận mệnh quốc gia - dân tộc, lớp lớp các thế hệ quân và dân Hà Nội đã xây dựng, vun đắp nên truyền thống cần cù, thông minh, chịu khó trong lao động sản xuất và anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ vững độc lập dân tộc.

Quang cảnh Hồ Gươm Hà Nội. Ảnh: Văn Phúc
Quang cảnh Hồ Gươm Hà Nội. Ảnh: Văn Phúc

Trải qua chiều dài lịch sử, quân dân Thủ đô đã đứng trước và vượt qua bao thử thách. Đó là khi hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược nước ta vào thế kỷ XIII, khi hàng chục vạn quân Tưởng kéo vào Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp gây hấn và đánh chiếm Hà Nội tháng 12/1946. Đặc biệt cuối năm 1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay chiến lược B-52 ném bom hủy diệt một số tỉnh miền Bắc mà tập trung là Hà Nội, Hải Phòng, song, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Thủ đô đã không chịu khuất phục. Với truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm lịch sử, với hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến, dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sức mạnh của cả nước và bạn bè quốc tế, quân dân Thủ đô đã chủ động, kiên cường, sáng tạo trong phòng tránh, đánh trả góp phần làm nên chiến thắng.

Với tầm vóc, ý nghĩa chiến lược to lớn, chiến thắng “12 ngày đêm” lẫy lừng trên bầu trời miền Bắc, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “Điện Biên Phủ trên không”, trong buổi tuyên dương các đơn vị lập công ngày 26/12/1972. Sau này được Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang gọi là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất và tinh hoa, trí tuệ dân tộc Việt Nam, là bản hùng ca về sức mạnh chính trị - tinh thần và niềm kiêu hãnh của dân tộc ta trong chiến tranh giữ nước.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cuối tháng 12/1972 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta là một “Thiên hùng ca bất tử”, thể hiện sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, là chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân, sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật phòng không nhân dân Việt Nam. Bản hùng ca 12 ngày đêm của quân dân miền Bắc nói chung và của quân dân Hà Nội anh hùng nói riêng đã in dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành những thắng lợi quyết định vào mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là sản phẩm của nghệ thuật phát động chiến tranh nhân dân, tổ chức công tác phòng không nhân dân. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, ở thủ đô Hà Nội đã diễn ra hình ảnh rõ nét nhất của một cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không cực kỳ sinh động, mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ. Đây là cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không được phát triển lên đến đỉnh cao, với cả một phong trào toàn dân đánh máy bay Mỹ, toàn dân làm công tác phòng tránh. Đây là một cuộc đối đầu, giữa thế trận chiến tranh nhân dân miền Bắc với sức mạnh quân sự hiện đại của đế quốc Mỹ. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và nghệ thuật của đường lối chiến tranh nhân dân, được thể hiện một cách đặc sắc như:

Một là, chủ động xây dựng và không ngừng củng cố quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô

Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 20/7/1972, Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 14-NQ/ĐB về một số công tác quân sự địa phương, gồm 3 vấn đề cụ thể: Diễn tập động viên thời chiến, động viên 1 trung đoàn dự nhiệm diễn tập trong 15 ngày; xây dựng 8 đại đội dân quân tự vệ tập trung; củng cố dân quân tự vệ trong tình hình mới. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết, Thành ủy không ngừng củng cố, giữ vững quyết tâm chiến đấu trong mọi tình huống, tổ chức triển khai toàn diện các nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất, phục vụ chiến đấu, phòng không nhân dân, bảo đảm giao thông, chi viện tiền tuyến, giữ vững an ninh chính trị, ổn định đời sống của nhân dân trong điều kiện thời chiến, đấu tranh chống chiến tranh tâm lý - gián điệp và mọi sức ép về chính trị tinh thần của địch. Thành công và thắng lợi của Thành ủy là đã kịp thời củng cố tổ chức Đảng các cấp làm hạt nhân vững chắc để củng cố đội ngũ quần chúng cách mạng; dựa vào ưu thế chính trị, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô để xây dựng và không ngừng củng cố quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Đường phố Hà Nội trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh tư liệu: TTXVN
Đường phố Hà Nội trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh tư liệu: TTXVN

Hai là, chủ động, kịp thời triển khai công tác phòng không nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong, tổn thất

Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, tích cực tiến hành công tác phòng không nhân dân ở các cấp, qua đó đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tập hợp, quy tụ được lực lượng to lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức chiến đấu; giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đòi hỏi gấp rút về thời gian. Một trong những công việc quan trọng nhất đối với công tác phòng không nhân dân là tổ chức sơ tán nhân dân, tài sản, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, xí nghiệp… ra khỏi nội thành, các khu vực trọng điểm và phân tán tại chỗ.

Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã chỉ thị cho Hà Nội về vấn đề sơ tán người và của cải của Thành phố, trong đó nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội là một trong những mục tiêu quan trọng, sẽ bị không quân địch đánh phá. Vì vậy tiếp tục đẩy mạnh công tác sơ tán, tăng cường lực lượng chiến đấu phòng không, tổ chức lại sinh hoạt thành phố cho phù hợp với tình hình thời chiến là những vấn đề cần làm tốt và khẩn trương. Làm tốt công tác này ở thành phố Hà Nội không chỉ nhằm giáng cho địch những đòn thất bại nặng nề và bảo vệ tốt sức người, sức của của ta, mà còn làm cho nhân dân thế giới thấy rõ quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta. Ở nội thành để lại 200.000 người, chủ yếu là người thực sự cần thiết cho sản xuất, chiến đấu và phục vụ sản xuất, chiến đấu. Số người ở lại phải có kế hoạch phân tán tại chỗ. Do tích cực tiến hành công tác sơ tán, riêng trong đợt tập kích của máy bay B-52 (12 ngày đêm cuối năm 1972) ta đã vận động và tổ chức cho 547.895 người sơ tán khỏi Thành phố.

Nhờ chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố hệ thống hầm hào ẩn nấp, trước khi đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào miền Bắc, Hà Nội đã tiến hành đào được hàng vạn hố chiến đấu cá nhân, hàng trăm hầm tập thể, hơn 1.000 km giao thông hào đủ chỗ phòng tránh cho những người ở lại trực tiếp chiến đấu. Tổ chức được mạng lưới cấp cứu phòng không 4 tuyến với hàng ngàn tổ đội cấp cứu, tải thương ở cơ sở; 266 trạm cấp cứu ở các khu phố, huyện; 84 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Tháo gỡ, phá hủy hơn 10.000 quả bom các loại từ bom 3.000 bảng Anh, bom bi nổ chậm đến bom từ trường, bom điều khiển bằng lade… góp phần bảo đảm giao thông nhất là giao thông qua sông Hồng, sông Đuống thông suốt trong mọi tình huống. Cứu sống hàng trăm người, thu nhặt hàng nghìn tấn hàng hóa của nhà nước bị sập hầm hoặc bị bom địch vùi lấp…

Ba là, chủ động, kịp thời triển khai công tác phối hợp hiệp đồng tác chiến

Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động hiệp đồng với bộ đội phòng không chủ lực, góp phần duy trì quan hệ chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không hoạt động trên địa bàn Thủ đô. Quan hệ giữa Bộ Tư lệnh Thủ đô với các lực lượng phòng không chủ lực hoạt động trên địa bàn Hà Nội không chỉ bó hẹp trong chiến đấu mà là mối quan hệ nhiều mặt, cả trước, trong và sau chiến đấu, trong và ngoài phạm vi hiệp đồng nổ súng đánh địch. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc hiệp đồng nên Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn đề cao tinh thần chủ động phối hợp trên các mặt hoạt động của dân quân du kích có liên quan đến lực lượng phòng không chủ lực.

Bốn là, tích cực xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh toàn diện, làm tròn chức năng tham mưu cho cấp ủy và chính quyền tổ chức và chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

Để tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh toàn diện, Thành ủy Hà Nội và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp trong đó chú trọng giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng là công tác hàng đầu trong toàn bộ cuộc vận động xây dựng Đảng bộ, nhằm tạo nên một sự nhất trí, phấn khởi tin tưởng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong cơ quan Bộ Tư lệnh. Thông qua các Cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên như: “Đảng viên 4 tốt”, “Đảng ủy đạt 4 yêu cầu” đã từng bước tạo nên chuyển biến rõ rệt, ý chí quyết tâm chiến đấu và tinh thần trách nhiệm được nâng cao, phẩm chất cách mạng được giữ vững và phát huy. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng Đảng, ngoài những biện pháp củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng cơ quan quân sự địa phương các cấp, chỉ đạo chấp hành các chế độ sinh hoạt, học tập, đấu tranh phê bình nội bộ, chế độ kiểm tra kỷ luật… của các cấp ủy, chi bộ, Đảng bộ Hà Nội còn chú trọng lãnh đạo, duy trì chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, vừa phát huy vai trò chủ động, năng động sáng tạo của cá nhân phụ trách, vừa phát huy hiệu lực nghị quyết của tập thể. Cùng với chủ trương tăng cường giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên trong cơ quan quân sự các cấp, Thành ủy; Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô rất chú trọng chăm lo công tác vận động thanh niên và củng cố tổ chức Đoàn, gắn với việc chỉ đạo giáo dục bồi dưỡng đoàn viên với việc chỉ đạo công tác phát triển Đảng, nhất là các cơ quan quân sự mà lực lượng Đảng viên còn quá mỏng.

Nhận thức đúng đắn vai trò của cán bộ các cấp, các ngành, nhất là cán bộ ở cơ quan Bộ Tư lệnh, Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô đã sớm đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu trong toàn bộ chủ trương xây dựng cơ quan quân sự thành phố cũng như huyện và khu phố. Phương hướng đề ra là: Lấy chất lượng làm chính, có số lượng thích hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, đồng thời sẵn sàng phương án cán bộ để nhận mọi nhiệm vụ đột xuất được giao. Theo phương hướng đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo và chuẩn bị nguồn cán bộ được đặc biệt coi trọng theo cả hai phương thức. Một mặt kiên quyết sắp xếp để cán bộ đi học tại trường, mặt khác, tích cực thực hiện bồi dưỡng tại chức, lấy đào tạo, rèn luyện trong thực tế công tác và chiến đấu là phương thức chủ yếu.

Năm là, chủ động xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu, làm nòng cốt để tiến hành chiến tranh nhân dân

Xuất phát từ vị trí hết sức quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ trong tham gia chiến đấu, Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, nắm chắc đường lối vũ trang toàn dân của Đảng và đặc điểm của Thủ đô Hà Nội để xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, coi trọng tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, bồi dưỡng ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, coi đó là biện pháp quan trọng hàng đầu, đồng thời dựa vào sức mạnh chính trị và tổ chức của Đảng bộ và Chi bộ địa phương để lãnh đạo xây dựng dân quân tự vệ ở cơ sở thực sự vững mạnh. Để dân quân tự vệ Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn này, Thành ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức và chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng không chủ lực hình thành mạng lưới hỏa lực dày đặc và có hiệu quả nhằm đánh bại từng bước leo thang của địch.

Đến cuối tháng 6/1966 (trước ngày diễn ra trận máy bay địch oanh kích kho xăng, dầu Đức Giang), toàn Thành phố đã có gần 700 tổ, đội trực chiến phòng không của dân quân tự vệ, với gần 3.000 tay súng bộ binh được huấn luyện chu đáo, được coi là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của thành phố. Đến ngày 17/12/1972 trước yêu cầu chiến đấu chống máy bay địch, ngoài lực lượng của bộ, hỏa lực của dân quân tự vệ Thủ đô có 4 đại đội cao xạ 100 ly (20 khẩu), 92 trận địa súng máy cao xạ 14,5 ly, hơn 100 trận địa súng 12,7 ly, đại liên, trung liên đánh dấu một bước cải tiến trang bị quan trọng đối với lực lượng phòng không trực chiến của dân quân tự vệ Hà Nội. Trong những trận nhỏ lẻ, bay đêm, đánh lén cũng như chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn cuối năm 1972 của đế quốc Mỹ, hỏa lực tầm thấp “Thiên la địa võng” của 40.000 tay súng phòng không dân quân tự vệ không những hạn chế rất nhiều thủ đoạn bay thấp, đánh lén của máy bay địch, mà còn buộc chúng bay cao, “làm mồi” cho lực lượng phòng không chủ lực tiêu diệt. Mặc dù số lượng máy bay do lực lượng phòng không dân quân tự vệ Hà Nội hạ được chiếm số ít so với tổng số máy bay Mỹ bị lực lượng phòng không bắn rơi trên bầu trời Thủ đô nhưng đây là lực lượng không thể thiếu trong đội hình phòng không trong toàn Thành phố.

Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu. 
Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu. 

Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Các Nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.

Từ những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, ngày 16/7 /1999 tại thành phố La Paz, Bolivia, Hà Nội được UNESCO vinh danh, trao giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” vì đã có thành tựu trong quá trình đổi mới và đáp ứng được đầy đủ 5 tiêu chí của Giải thưởng. Hà Nội đã vượt qua 70 ứng cử viên khác để được chọn là 1 trong 5 thành phố đại diện cho 5 châu lục được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.

Để xứng đáng với danh hiệu là Thành phố vì hòa bình trong suốt những năm qua, Hà Nội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong những năm qua kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, đạt 10,73% giai đoạn (2006-2010); 9,23% giai đoạn (2011-2015); 7,39% giai đoạn (2016-2020). Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tốc độ tăng trưởng bình quân Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2025: 7,5 - 8,0%. Hiện nay, Hà Nội là một trong những trung tâm thương mại, tài chính - tiền tệ của cả nước. Công nghiệp có bước phát triển mạnh theo hướng ưu tiên các ngành hàng, nhóm sản phẩm có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; bước đầu hình thành nền nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp sinh thái.

Để xứng đáng vị trí trung tâm văn hóa của cả nước, Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân số văn hóa: 75%; thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa: 65%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 86 - 85%; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%; số giường bệnh/trên vạn dân: 30 - 35; số bác sỹ/vạn dân: 15; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho cả nước. Y tế có bước phát triển vững chắc là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất cả nước, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Chương trình xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế đạt cao.

Về an ninh, quốc phòng, tích cực xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố ngày càng vững chắc. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh; trong quy hoạch và xây dựng đã chú trọng tính lưỡng dụng của các công trình, vừa bảo đảm phục vụ dân sinh vừa đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh khi có tình huống xảy ra. Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, có trình độ, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân và các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cức nạn. Nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo cho các đối tượng theo đúng quan điểm, sát yêu cầu nhiệm vụ gắn với xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật, xây dựng nét đẹp văn hóa Người chiến sỹ Thủ đô.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới của Thủ đô. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Hà Nội qua các thời kỳ. Trong xây dựng văn hóa Thủ đô phải tập trung vào việc xây dựng con người, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân. Việc xây dựng con người còn là điều kiện để Thủ đô Hà Nội rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và cũng là điều kiện để Hà Nội hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô, coi trọng vai trò của đối ngoại kinh tế. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Với niềm kiêu hãnh, tự hào về Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” về một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của mình đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt mọi chức trách, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là “Thành phố vì hòa bình”, góp phần xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần