Xây dựng Thủ đô xứng đáng vai trò trung tâm chính trị - hành chính; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm thống nhất về nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Ngày 27/8, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67-KH/TU về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW.

Nội dung kế hoạch 67-KH-TU nhấn mạnh yêu cầu đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2011 - 2020.

Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 11,5 - 12%/năm. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người khoảng 7.100 - 7.500 USD/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của TP, đến năm 2020 cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 55,5 - 56,5%; Công nghiệp - xây dựng 41 - 42%; Nông nghiệp 2 - 2,5%. Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực; đến năm 2020, số trường chuẩn quốc gia chiếm 65 - 70%; lao động qua đào tạo: 70 - 75%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,4 - 1,8%. Phấn đấu 2/3 số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020. Cải tạo và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn này, TP cũng đưa ra chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân; bảo đảm 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; bình quân cấp nước đô thị đạt 150 - 180 lít/người/ngày đêm; phấn đấu trước năm 2020 khắc phục tình trạng úng ngập trong đô thị trung tâm; diện tích nhà ở đạt 25 - 30m2/người; diện tích cây xanh đạt 10 - 12m2/người đến năm 2020…

Dự kiến, tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến từ 1.400.000 - 1.500.000 tỷ đồng (tương đương từ 69 - 70 tỷ USD); giai đoạn 2016 - 2020 khoảng từ 2.500.000 - 2.600.000 tỷ đồng (tương đương 110 - 120 tỷ USD). Đây là số vốn khổng lồ cần sự triển khai tích cực, đồng bộ hệ thống các biện pháp huy động vốn, trong đó nguồn nội lực được xác định là chủ yếu, kết hợp với huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất, tài sản công…

Kế hoạch 67-KH/TU cũng xác định các giải pháp như tăng cường truyên truyền tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân; khai thác có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng; đổi mới mô hình và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế Thủ đô; Tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung…

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) thực sự là cơ hội lớn để Hà Nội vươn lên xứng tầm Thủ đô của cả nước. Đây cũng là điều kiện để Hà Nội bứt phá, hoàn thành mục tiêu về đích sớm từ 1 đến 2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng với kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần