Xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp: Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội đang tiến hành giám sát về việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP.

Đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri đề cập tới trong các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp HĐND TP. Bởi tiến độ xây dựng và vận hành một số trạm xử lý chậm, hầu hết nước thải sinh hoạt từ CCN đều được đổ thẳng ra hệ thống thoát nước của khu vực, dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của TP, đơn vị đã chủ trì cùng Sở Công Thương, TN&MT, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền rà soát tình hình đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung của 43 CCN đã hoạt động. Trong đó, đến hết năm 2016 có 19 CCN chưa có dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 19 CCN đã được đầu tư xây dựng, 3 CCN đang trong quá trình đầu tư xây dựng và 2 CCN đã cơ bản hoàn thành. Đến hết tháng 6/2017, có 22/43 CCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải (chiếm 51,1%).

Đoàn giám sát Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội kiểm tra trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.           Ảnh:  Vũ Cúc

Sở Xây dựng cũng đã chủ trì với Sở Công Thương và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền xây dựng kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin tình hình xử lý nước thải tại 43 CCN trên địa bàn TP. Việc khảo sát nhằm đưa ra giải pháp thu gom xử lý nước thải tại các CCN được chính xác và có cơ sở xây dựng cơ chế quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải sau đầu tư.
Thống kê qua qua kiểm tra, rà soát cho thấy, có 34/43 CCN có quỹ đất và quy hoạch trạm xử lý nước thải, chiếm tỷ lệ khoảng 70%; 9/43 CCN không có quy hoạch và quỹ đất xây dựng trạm xử lý nước thải, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Trong 21 CCN đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung có 12 trạm xử lý nước thải hoạt động dưới công suất thiết kế, 2 trạm xử lý nước thải không vận hành, bỏ hoang, máy móc thiết bị xuống cấp là CCN Tân Triều và cụm tiểu thủ công nghiệp Duyên Thái...
Từ thực tế này, để giải quyết vấn đề xây dựng các trạm xử lý nước thải ở các CCN, TP đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai trong những tháng cuối năm 2017. Trong đó, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành các trạm xử lý nước thải tại các CCN. Đồng thời, hoàn thành việc khảo sát, lập phương án hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại các CCN. Trong đó, cải tạo, nâng cấp phát huy hiệu quả của các trạm xử lý nước thải đã có nhưng xuống cấp, không hoạt động. Đối với một số CCN chưa có quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải hoặc lưu lượng nước thải nhỏ, TP đề nghị xây dựng phương án liên kết, thu gom các cụm để xử lý. Mục tiêu đề ra là hoàn thành đề xuất và phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thi công quý IV/2017.
Cùng với đó, các ngành chức năng cũng khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư tập trung đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải 2 CCN Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) và CCN Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ) để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu CCN có trạm xử lý nước thải đạt 55,8%...
Giám sát thực tế tại các huyện, trước thực tế nhiều CCN không có trạm xử lý nước thải hoặc có nhưng trạm không hoạt động, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyễn Quân cũng cho rằng: Các huyện cần đẩy nhanh việc bố trí quỹ đất đủ điều kiện xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định của TP là 100% các CCN mở rộng xây mới đều phải có trạm xử lý nước thải. Đối với các CCN không phù hợp với quy hoạch nên giữ nguyên quy mô và lựa chọn các DN sử dụng công nghệ sạch vào các CCN này. Đồng thời, nghiên cứu thu hút các DN đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng khu công nghiệp, trong đó có việc thu phí và quản lý môi trường.