Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định: Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đã đưa ra các quy định, nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo Đề án VTVL.
Năm 2012, 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 36 về VTVL và cơ cấu ngạch công chức, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 05 hướng dẫn thực hiện; Chính phủ ban hành Nghị định 41 quy định về VTVL trong ĐVSNCL và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn số 14… Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đề án VTVL trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo yêu cầu sắp tới cả nước triển khai thực hiện các nghị quyết của T.Ư và đặc biệt nghị quyết về cải cách tiền lương, đẩy mạnh xây dựng triển khai đề án VTVL cần được coi là giải pháp căn bản có tính chất tiền đề-nếu không làm được thì không thể tinh gọn được bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ, cũng không thể cải cách được tiền lương.
“Qua hơn 6 năm thực hiện Luật Viên chức và hơn 8 năm thực hiện Luật CBCC, có thể thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, đẩy mạnh xây dựng đề án VTVL. Trong quá trình đó cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương có cách làm sáng tạo, nhiều nội dung áp dụng được vào thực tiễn, như: Ban Tổ chức T.Ư tháng 3/2018 đã ban hành tạm thời 39 danh mục VTVL kèm theo bảng mô tả công việc và ban hành quyết định thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng, quản lý công chức trong ngành công tác xây dựng Đảng, hiện đang triển khai rất tốt, qua đó sắp xếp được rất nhanh. Với Hà Nội, đoàn khảo sát của T.Ư về xây dựng nghị quyết đổi mới đơn vị SNCL và ban chỉ đạo cải cách tiền lương khi về khảo sát đã đánh giá rất cao việc triển khai xây dựng VTVL của TP, đề nghị Bộ Nội vụ lấy Hà Nội cùng một số địa phương làm mẫu để phổ biến kinh nghiệm cho các địa phương khác”, Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng, việc các địa phương, đơn vị có cách làm thống nhất để đẩy mạnh xây dựng VTVL chính là cơ sở để thực hiện các nghị quyết T.Ư về sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách tiền lương… Bộ đã được giao sửa nhiều nội dung trong Luật CBCC và Luật Viên chức, nhằm đảm bảo tính đồng bộ về đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị, tính liên thông giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Ngay trong tháng tới, Bộ sẽ trình Chính phủ sửa Nghị định 36, Nghị định 41 và cả thông tư hướng dẫn của Bộ, để rõ ràng hơn về cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu hạng viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số biên chế, số ngày làm việc… sau khi xây dựng đề án VTVL, giúp các đơn vị không bị lúng túng khi thực hiện đề án.
Tại hội nghị, đại diện Bộ cũng đề nghị các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản QPPL hướng dẫn cụ thể việc xác định VTVL, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý để thực hiện; tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc xây dựng, phê duyệt VTVL tại địa phương. Người đứng đầu các cơ quan cần đề cao trách nhiệm trong xây dựng và phê duyệt VTVL đúng quy định, thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ CBCCVC theo đề án VTVL được duyệt, coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu. Về phía Bộ Nội vụ, sẽ nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn và kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 05/2013-TT-BNV, Thông tư 14/2012/TT-BNV, trong đó có ví dụ minh họa làm rõ về khái niệm, phân loại, mô tả công việc, sản phẩm công việc…
Hội nghị đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm giữa một số bộ, ngành, địa phương về những cách làm hay trong xây dựng và triển khai thực hiện Đề án VTVL. Nhìn chung, các ý kiến đều nhận định, xây dựng và triển khai đề án VTVL là một công việc hệ trọng hiện nay, nhằm góp phần xây dựng được đội ngũ CBCC ngày càng chính quy, chuyên nghiệp, đủ sức đáp ứng yêu cầu của bộ máy nhà nước giai đoạn tới. Để triển khai thành công, rất cần huy động trí tuệ tập thể và nghiên cứu các mô hình sáng kiến trong toàn quốc để xây dựng phương án triển khai hợp lý.