Buổi tọa đàm có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức, giảng viên Đại học Sookmyung, Ủy viên cố vấn chính sách của Bộ GD, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Peck Cho cùng hơn 400 hiệu trưởng trên toàn quốc.
Phát biểu trong buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hạnh phúc là làm việc mình thích và thích việc mình đang làm, từ đấy mới có nhiệt huyết để giảm áp lực.
Trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, hiệu trưởng có vai trò đặc biệt. Khi hiệu trưởng hạnh phúc thì các thầy mới có sự sáng tạo, cảm thông chia sẻ, vị tha, qua đó tạo môi trường mà ở đó mọi người đều thương yêu nhau.
Hạnh phúc là một khái niệm rộng lớn, khó để hình dung, vì vậy cần có những tiêu chí cụ thể để xây dựng. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.
Đầu tiên, xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của học sinh (HS). HS không lo sợ bạo lực, được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử với nhau thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Ở đó, HS được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi.
Trường học là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp, không nhất thiết phải là những ngôi trường hiện đại, tiện nghi. Ở các vùng miền núi khó khăn, nếu các hiệu trưởng biết sắp xếp thì vẫn có thể xây dựng được một môi trường tuy không khang trang nhưng vẫn sạch đẹp. Trường học còn phải là môi trường dân chủ, ở đó mọi người được thể hiện ý kiến của mình.
Thứ hai, giáo viên phải được sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, dân chủ đóng góp ý kiến, phải gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo vì sáng tạo sẽ tạo nên môi trường hạnh phúc. Hiện nay, nhiều hiệu trưởng sáng tạo nhưng cũng có hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt GV phải nghe theo.
Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, phải tạo ra môi trường mà giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau và không chạy theo thành tích.
HS đến trường phải được vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo bên cạnh việc học tập. Khi HS không chịu áp lực của bài tập, không bị phân biệt đối xử thì sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Nếu hiệu trưởng khích lệ, động viên kịp thời, giáo viên phấn khởi, từ đó lại khích lệ kịp thời HS. Vậy nên, cần bỏ những hình phạt và thay vào đó là kỷ luật tích cực.
Thứ ba, hiệu trưởng trên cương vị của mình sẽ làm cho các thầy cô giáo, HS tự hào về ngôi trường của mình để nhận được sự tôn trọng trong cộng đồng.
Từ ba tiêu chí này, hiệu trưởng sẽ có những giải pháp để xây dựng một môi trường thực sự hạnh phúc. Ở đó, hiệu trưởng có trọng trách khơi dậy, dẫn dắt, truyền lửa, dẫn dắt tập thể sư phạm phấn đấu vì môi trường hạnh phúc, ở đó mọi người muốn đến trường, muốn đi học.
“Khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc chứ không phải chạy theo trí tuệ nhân tạo, chạy theo công nghệ” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.