Xây dựng và phát huy các thiết chế văn hóa: Tìm sự đồng bộ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nhà văn hóa (NVH) hoành tráng nhưng thiếu “cái lõi” bên trong; tổ chức hoạt động còn hình thức, thiếu sáng tạo, chưa phát huy hết tiềm năng – đó là nhận định trong đợt giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tháng 12/2017 về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng.

Nội thành thiếu đất, ngoại thành thiếu dụng cụ
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến, thời gian qua, Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về văn hóa, xã hội. Nhiều địa phương đã mạnh dạn áp dụng một số cách làm mới trong tổ chức quản lý, hoạt động của hệ thống NVH thôn, làng. Hiện toàn TP có 23 thiết chế văn hóa, 30/30 quận, huyện, thị xã đều thành lập Trung tâm VH&TT. Tuy nhiên, nhiều nơi còn mang hình thức, thiếu sáng tạo, chỉ hoạt động theo kỳ cuộc. Tỷ lệ phường có NVH đạt 23,3%, xã đạt 9%, nhưng do khó khăn về quỹ đất, nên nhiều tổ dân phố phải sử dụng chung một NVH (hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng). Các điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ đảm bảo được diện tích phục vụ hội họp của tổ dân phố, không có quỹ đất để xây dựng các công trình phụ trợ.

Người dân luyện tập thể thao tại Nhà văn hóa phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.         Ảnh: Thanh Bình

Khảo sát tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn cho thấy, hiện có 5 cụm dân cư, 12 tổ dân phố, 4 NVH. Cơ bản các NVH phát huy hết được hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, theo chị Phạm Thu Hương - cán bộ văn hóa thông tin thị trấn Sóc Sơn, một số nơi thiếu NVH phải mượn địa điểm để hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Công tác xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn; thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, cơ sở vật chất, nội thất bên trong của các NVH chưa được đầu tư nhiều; các dụng cụ thể thao chưa được trang bị đồng bộ…

Gặp khó khi xã hội hóa

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội có 112/584 xã, phường, thị trấn có trung tâm VHTT; 1.727/5.452 tổ dân phố có NVH, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trên thực tế, Hà Nội đầu tư xây dựng nhiều NVH để phục vụ cộng đồng. Nhiều quận nội thành như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, NVH đảm bảo các điều kiện phòng họp, phòng chức năng thể dục thể thao, sân bóng… Tuy nhiên, nhiều NVH luôn trong cảnh cửa đóng then cài vì thiếu hoạt động. NVH Dịch Vọng, NVH Yên Hòa (quận Cầu Giấy) từng liên kết với một số đơn vị để tạo nguồn thu, tái hoạt động cho NVH nhưng lại bị “tuýt còi” vì không có cơ chế.

Sau khi khảo sát trực tiếp các quận, huyện, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhận định, các thiết chế văn hóa, thể thao cấp TP và quận, huyện hầu hết đáp ứng các tiêu chí. Tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở mới chỉ đáp ứng một phần theo yêu cầu thực tế và hiệu quả sử dụng còn thấp; chưa có nhiều công trình VHTT và khu vui chơi giải trí phù hợp với mức sống của Nhân dân; đầu tư ngân sách Nhà nước cùng việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho VHTT rất hạn chế.

Từ kết quả khảo sát, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đề nghị, để phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, gắn các thiết chế văn hóa với các thiết chế thể thao, đồng thời tạo cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi. Song song với việc thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền trong việc xã hội hóa các thiết chế văn hóa phục vụ Nhân dân, cần xây dựng những cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt, cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở và nghiên cứu sâu sát, cụ thể, hướng đến khu dân cư điện tử và có sự phối hợp với cơ quan chức năng để phát huy giá trị các thiết chế văn hóa cơ sở.

Do chưa có cơ chế về kinh phí duy trì hoạt động của các trung tâm VHTT phường, nhà sinh hoạt địa bàn dân cư, nên vẫn còn bất cập trong công tác quản lý và khai thác. Nếu không xã hội hóa trong quản lý và khai thác các thiết chế văn hóa này thì rất lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Quận ủy Tây Hồ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần