Xây dựng và phát triển Thủ đô lên tầm cao mới

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan là dấu mốc đặc biệt trên con đường xây dựng và phát triển Thủ đô lên một tầm cao mới.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã khẳng định những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Đồng thời cũng chỉ ra những thách thức cần vượt qua để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận Phiên họp tập thể Ủy ban TP tháng 5/2018. Ảnh: Anh Tuấn
Tạo tiền đề để Thủ đô phát triển toàn diện

Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan đã tác động thế nào đến sự phát triển của Hà Nội?

- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu: Trước khi điều chỉnh địa giới hành chính, về tổng thể Hà Nội còn tồn tại một số bất cập và mất cân đối trong quá trình phát triển: Sự bùng phát các khu công nghiệp ven các tuyến quốc lộ cùng các khu đô thị mới trong và ngoài vành đai xanh một cách manh mún; Sự mất cân đối giữa hệ thống đường sá chật hẹp trong khi các phương tiện giao thông tăng lên nhanh chóng; Tình trạng quá tải, ùn tắc thường xuyên tại các nút giao thông cũng như tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm; Cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị và nhà ở quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội; Không gian hiện hữu không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa; sự phát triển của Thủ đô văn minh, hiện đại…
Sau khi điều chỉnh địa giới hành, Thủ đô Hà Nội mở rộng có diện tích tự nhiên 334.470,26ha (tăng 3,63 lần), dân số 6.232.940 người (tăng 1,87 lần). Quy mô về diện tích đất đai, dân số, lao động lớn hơn, tạo điều kiện để huy động thêm nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khắc phục những hạn chế đã tồn tại trong quá trình phát triển không gian kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Bên cạnh đó, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã gia tăng nguồn lực để Hà Nội phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo tiền đề để Thủ đô Hà Nội phát triển đồng bộ, toàn diện, nhanh và bền vững. 

Có thể nói, Nghị quyết 15 của Quốc hội Khóa XII là dấu mốc và bước ngoặt đặc biệt quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển Thủ đô lên một tầm cao mới, hướng đến mục tiêu văn minh, hiện đại, bền vững.

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết, Hà Nội tiếp tục được sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành T.Ư, của các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học và sự ủng hộ, động viên to lớn của Nhân dân cả nước.

Cán bộ, đảng viên, người lao động Thủ đô có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao tạo nên sự đồng thuận, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 về mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt đuợc những thành tựu nổi bật gì, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu: Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức trước yêu cầu phải giải quyết khối lượng công việc nhiều, đan xen phức tạp, phát triển kinh tế trong điều kiện suy giảm. Dù vậy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn xác định công việc trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá, điều hành quyết liệt, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. 

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, GRDP giai đoạn 2008 - 2017 bình quân đạt 7,41%/năm, giữ vững là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 86 triệu đồng (khoảng 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với 1.697 USD/người vào năm 2008). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Không gian kinh tế được mở rộng phát triển. Đến hết năm 2017, Hà Nội có 8 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư. 

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng 8,61%/năm; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008. Ngành xây dựng phục hồi và phát triển sôi động, giá trị tăng thêm đạt trung bình 7,18%/năm. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, khu đô thị, công trình giao thông,… được đầu tư và đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng các ngành sản xuất và dịch vụ. 

Ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 239 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2008. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực.

Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông… Lĩnh vực thương mại được chú trọng phát triển, hạ tầng thương mại được đầu tư. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, đạt trung bình 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng xấp xỉ 4 lần). Hà Nội nằm trong tốp 10 TP có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. 

Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội từng bước được cải thiện rõ rệt: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 6 năm liền kể từ năm 2012; năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, TP - cao nhất từ trước tới nay (năm 2008 PCI của Hà Nội cũ là 31/64, Hà Tây cũ là 55/64). Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên, Hà Nội được xếp trong top 10 TP năng động nhất thế giới. 

Việc huy động vốn đầu tư trên địa bàn cũng được đẩy mạnh, giai đoạn 2008 - 2017, tổng đầu tư xã hội hơn 2,03 triệu tỷ đồng. Năm 2017, vốn đầu tư xã hội đạt 308.219 tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008. Trong thời gian từ 2008 - 2017, Hà Nội đã có 177.052 DN đăng ký kinh doanh với số vốn khoảng 1,95 triệu tỷ đồng, tăng trung bình hàng năm 6,75%. Lũy kế số DN đăng ký trên địa bàn hết năm 2017 là 231.922 đơn vị.

Cùng với phát triển kinh tế, trong 10 năm qua, các giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức thành công, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội, tạo ấn tượng tốt trong Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. 

Công nghệ thông tin có bước phát triển nhanh, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và DN nhà nước. 

Trong xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả đã được triển khai. Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành. Ngoài ra, chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện quyết liệt và đạt kết quả rõ nét, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội luôn là lĩnh vực được TP ưu tiên chú trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu kiểm tra sản xuất vụ Xuân tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Trọng Tùng
Khắc phục hạn chế, tiếp tục đưa Thủ đô phát triển bền vững

Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội sau mở rộng địa giới hành chính còn có những hạn chế gì?

- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu: Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khuyết điểm, chính quyền Hà Nội nhận thấy việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội sau mở rộng địa giới hành chính còn những hạn chế, yếu kém như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô. Hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công, nhất là quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước chưa cao. Công nghệ, quản lý sản xuất chậm đổi mới, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa nhìn chung còn thấp, chưa tạo ra được những sản phẩm mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, trật tự, kỷ cương, an toàn giao thông chuyển biến chậm. Môi trường sinh thái nhiều nơi còn ô nhiễm, nhất là ở một số sông hồ, làng nghề, khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ nông thôn... Hà Nội cũng chưa phát huy hết giá trị các di sản văn hóa. Thiếu những tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật…

Qua những thành tựu đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và cả những hạn chế, yếu kém Hà Nội đang khắc phục, rút ra những kinh nghiệm quý trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện các chủ trương, chính sách để tạo thế và lực mới trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, trong thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai những nhiệm vụ gì để phát huy và thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết số 15/2008/QH12 đã đặt ra?

- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu: Những năm tới, tuy còn không ít khó khăn, thách thức nhưng Hà Nội sẽ tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, huy động mọi nguồn lực Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng và mong ước của cán bộ, Nhân dân Thủ đô và Nhân dân cả nước.

Hà Nội sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, các văn bản quản lý của Nhà nước, của TP về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong cuộc sống.

Tiến hành tổng rà soát các văn bản đã ban hành, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, giải phóng mọi tiềm năng, sức lao động, khích lệ, hỗ trợ tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ thủ tục rườm rà, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của các ngành nghề, của DN và các tầng lớp Nhân dân, tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0), thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế Thủ đô.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực.

Tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến; tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Chú trọng phát triển kinh tế tri thức Thủ đô; xây dựng, phát triển, nâng cao vị thế hàng đầu của giáo dục và đào tạo TP; đi đầu trong đào tạo, thu hút nhân tài phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học. Rà soát, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục, dạy nghề.

Phát triển đồng bộ hệ thống y tế đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe Nhân dân đi đôi với đầu tư phát triển một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân đạt 25 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020 và 30 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2030.

Tăng cường công tác phòng ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh công tác dự báo, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh, kho tàng, bến xe ra khỏi trung tâm TP.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân Thủ đô, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn; từng bước hoàn thành kế hoạch giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy nhanh việc xây dựng các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chức năng; tiếp tục tổ chức kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực và thực hiện các dự án theo quy hoạch được duyệt. Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, bảo đảm phát triển đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại và bền vững. Xây dựng và phát triển đô thị theo tiêu chí thành phố thông minh.

Tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu trên 80% số xã đạt tiêu chí vào năm 2020.

Tiếp tục cải cách hành chính theo phương châm “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tiến độ, rõ hiệu quả. Tập trung triển khai và hoàn thành Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Xây dựng đề án thực hiện hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính…

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả việc đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bất ngờ xảy ra.

Mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, trong đó chú trọng hợp tác với các TP, tập đoàn lớn trên thế giới. Đẩy mạnh công tác đối ngoại Nhân dân, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các cơ quan chính quyền theo hướng lấy phục vụ người dân và DN là trọng tâm và mục tiêu hoạt động. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đã đề ra. Đó là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội với kết quả toàn diện và sâu sắc hơn, để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần