Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết 54/NQ/TW của Bộ Chính trị”.

Chủ trì Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói về động lực và sức mạnh mềm để tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: VGP/Nhật Anh
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói về động lực và sức mạnh mềm để tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: VGP/Nhật Anh

Nghị quyết 54/NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Văn hóa, con người đã bước đầu trở thành nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế. Trong lĩnh vực du lịch, văn hóa và con người là nguồn lực văn hóa - sinh thái - nhân văn quý giá để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc của Thừa Thiên Huế.

“Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã phát huy vai trò của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh. Sự gắn kết giữa chính quyền, trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp đã góp phần kiến tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh” - GS. TS Nguyễn Xuân Thắng nói.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cần sớm hoàn thiện chiến lược, kế hoạch phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa tiêu biểu, cần có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực chủ chốt, đột phá, có hiệu quả cao.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định, kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mặt khác, kinh tế phát triển bền vững hiệu quả thì phải dựa trên nền tảng văn hóa và mục tiêu văn hóa, con người.

“Bên cạnh đó, cần xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Thừa Thiên Huế luôn xác định các giá trị văn hóa, di sản là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa” - ông Lê Trường Lưu nói.

Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung làm vấn đề trọng tâm về những giá trị độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn của văn hóa, con người Huế; vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế trong tiến trình lịch sử; những thành tựu trong phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đối với quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế trong 35 năm đổi mới, đặc biệt trong gần 3 năm triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa, con người Huế thời gian qua.

Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng văn hóa và sức sáng tạo của con người Huế trong tình hình hiện nay.