Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú:

Xây dựng vị thế vững chắc cho cà phê Buôn Ma Thuột

Tuấn Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú mong muốn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ xây dựng vững chắc vị thế cho cà phê Buôn Ma Thuột.

Ngày 11/3, tại TP Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023 nằm trong hoạt động Lễ Hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 do UBND tỉnh Đắk đã tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú mong muốn: “Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ sớm thành công trong việc tiếp tục mở rộng thị trường, thâm nhập vào chuỗi cung ứng cà phê thế giới, xây dựng vững chắc vị thế cho cà phê Buôn Ma Thuột, xứng đáng là thủ phủ của cà phê Tây Nguyên nói riêng, của Việt Nam nói chung và vươn mình trở thành điểm đến của cà phê thế giới”.

Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023.
Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023.

Theo ông Vũ Bá Phú, cà phê đang là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản của nước ta. Với vị thế là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê của nước ta đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn với giá trị kim ngạch hơn 4 tỷ USD.

Trong đó, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk đạt khoảng 813 triệu USD, chiếm 20% kim ngạch xuất  khẩu cà phê của cả nước.

Với diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha, trong đất sản xuất nông nghiệp 627.000 ha chủ yếu là sản xuất cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao như: Cây cà phê, cây cao su, cây hồ tiêu… Cùng với thổ nhưỡng đất đỏ bazan màu mỡ, nằm ở độ cao trung bình 800m so với mặt nước biển đã giúp Đắk Lắk trở thành địa phương đặc biệt thích hợp với cây cà phê.

Vì vậy từ lâu cây cà phê của Đắk Lắk đã trở thành cây trồng chủ lực mang tính đặc trưng của tỉnh với chất lượng đã được khẳng định, có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Cà phê  Đắk Lắk đã trở thành cây trồng chủ lực mang tính đặc trưng của tỉnh với chất lượng đã được khẳng định, có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Cà phê  Đắk Lắk đã trở thành cây trồng chủ lực mang tính đặc trưng của tỉnh với chất lượng đã được khẳng định, có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn. Các ngành chức năng và doanh nghiệp địa phương cần phải đưa ra các giải pháp thích hợp như: Tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu, tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.

Với những lợi thế về sản phẩm cà phê của Đắk Lắk, ngày 9/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Công thương được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý. Hiện tại, các Bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ đang hoàn thiện các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 tại Lễ Hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với đông đảo các doanh nghiệp cà phê, nhà phân phối trong nước và quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa người mua và người bán, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nhà nhập khẩu, cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. 

Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sớm thành công trong việc tiếp tục mở rộng thị trường, thâm nhập vào chuỗi cung ứng cà phê thế giới, xây dựng vững chắc vị thế cho cà phê Buôn Ma Thuột, xứng đáng là thủ phủ của cà phê Tây Nguyên nói riêng, của Việt Nam nói chung và vươn mình trở thành điểm đến của cà phê cà phê thế giới.