Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Điều chỉnh phù hợp với các địa phương

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm vừa qua là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Do mới triển khai, nên việc thực hiện ở cơ sở còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

 Công dân tra cứu văn bản pháp luật tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, đến nay, 28/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành thủ tục công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, toàn TP có 411/549 xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 74,9%. Trong đó, nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt tỷ lệ 100% như Thanh Xuân, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì, Đan Phượng.
Qua đánh giá, việc thực hiện quy định chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở thời gian qua đã giúp chính quyền cấp xã nâng cao nhận thức về thực trạng thực thi pháp luật tại địa phương; tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo cơ sở vật chất, các điều kiện khác nhằm nâng cao chất lượng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai ở một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế như: Đánh giá của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện còn chung chung; việc đánh giá ở các xã, phường, thị trấn còn mang tính hình thức, không đồng đều giữa các đơn vị; Nhận thức của các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức...

Theo ông Nguyễn Văn Huận (UBND xã Yên Viên, huyện Gia Lâm), khi giao dịch một số thủ tục hành chính, người dân chưa nắm bắt rõ được các quy định của pháp luật, nên rất dễ cho rằng bị sách nhiễu, có thể ảnh hưởng đến việc lấy phiếu. Do nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều ngành; một số nội dung còn dẫn đến cách hiểu khác nhau, quy trình còn phức tạp, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu chưa cụ thể, ảnh hưởng đến điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho việc đánh giá xã đạt chuẩn.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng các phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Long Biên Nguyễn Tiến Linh cho biết, quận Long Biên ban đầu gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Quận đã khảo sát tại 14 phường trên địa bàn quận và các phường đều có báo cáo, tự chấm điểm. Nhưng quận lại không có tiêu chí cụ thể nào để chấm điểm các phường. Trong số các tiêu chí đánh giá, tiêu chí số 5 thực hiện dân chủ ở cơ sở là khó nhất. Các phường trên địa bàn quận Long Biên bị trừ điểm ở tiêu chí này vì không có tài liệu chứng minh hoặc tài liệu chứng minh chưa bài bản, việc lưu hồ sơ chưa đầy đủ” - ông Linh chia sẻ.

Nhằm khắc phục khó khăn, quận Long Biên đã chú trọng khâu lựa chọn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện gồm đại diện phòng Tư pháp, Nội vụ, Công an, Văn hóa. Thành viên Hội đồng còn có đại diện Ban dân vận, MTTQ. Đây là hai thành viên thuộc khối Đảng nhưng lại chủ trì việc triển khai thực hiện dân chủ cơ sở và nắm sát tình hình. Các thành viên trong Hội đồng chủ trì hướng dẫn nội dung triển khai cho các phường. Trong triển khai, lãnh đạo quận cũng yêu cầu gắn những nội dung, mô hình mới mà quận đang triển khai với tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong quá trình chấm điểm, phường bị trừ điểm nội dung nào đều được nêu lý do cụ thể rõ ràng để rút kinh nghiệm.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, từ thực tiễn vướng mắc, khó khăn của cơ sở, cũng như kinh nghiệm triển khai từ quận Long Biên, Sở Tư pháp đã có những nghiên cứu bổ sung. Tới đây, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật làm cơ sở cho các quận, huyện triển khai, trong đó có những điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của các địa phương.