Xây không gian văn hóa không chỉ bằng tiền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân nói chung và người Hà Nội nói riêng, đang tăng lên rõ rệt, ngày càng đa dạng và trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu.

Song hành với nó còn là nhu cầu sáng tạo các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, nhu cầu về luyện tập và thi đấu thể thao. Đây là điều đáng mừng, song để điều mừng ấy được hiện thực hóa, thì Hà Nội cần có những không gian văn hóa để phong trào văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao quần chúng “lên tiếng”.

 Thiếu quỹ đất

Như PGS.TS Nguyễn Thanh Tuấn (Viện nghiên cứu Quyền con người) phân tích, hiện nay, Hà Nội chưa hoàn thiện quy hoạch không gian văn hóa, chủ yếu do thiếu quỹ đất. Nhưng, nguyên nhân sâu xa là bởi vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội chưa được nhận thức đúng đắn, vì vậy, chủ trương, chính sách chưa hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển văn hóa ở đô thị. Điển hình là, khu vực nội thành cũ vốn "đất chật, người đông", nhưng các dự án cao ốc, văn phòng, chung cư vẫn được ưu tiên xây dựng… Tại các khu đô thị mới cũng không nhiều nơi quan tâm đến quy hoạch văn hoá, môi trường cảnh quan chung.
Du khách tham quan cửa Đoan Môn tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.  Ảnh:  Duy Anh
Du khách tham quan cửa Đoan Môn tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Duy Anh
Trên thực tế, khái niệm "không gian văn hóa" giữa nội thành và ngoại thành có sự khác biệt, nên cần dựa vào đó để làm cơ sở tiến hành quy hoạch.

Ở các đô thị ngoại thành hay ven đô, khái niệm không gian văn hóa được hiểu là không gian liên hoàn của nhà làm việc đa năng, sân khấu ngoài trời, trạm tin, phòng thư viện, đài truyền thanh, sân thể thao tổng hợp và liền kề ao, hồ, cây xanh, bãi cỏ. Chính vì vậy, đòi hỏi có diện tích đất không nhỏ; trên đó không chỉ có các thể khối kiến trúc, mà còn bao gồm cả cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ và hồ nước.

Tại nội thành, việc xác định không gian văn hóa hiện mới dừng ở cấp phường, chứ chưa xác định cho tổ dân phố, khu tập thể. Không gian văn hóa này có thể không phải liên hoàn các hoạt động văn hóa - thể thao như ở ngoại thành, nhưng trước mắt, cần thiết phải có là không gian cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nhà và có sân bãi thể thao phù hợp. Nếu ở cấp phường, thị trấn, có thể chưa đạt tính đồng bộ thì ở cấp quận nhất thiết phải đạt được tính đồng bộ; trong đó, mỗi quận cần có ít nhất một sân vận động và một công viên văn hóa. Trong việc quy hoạch, TP phải có quỹ đất dành cho không gian văn hóa, nhất là tại cơ sở phường, thị trấn. Việc sử dụng đất này nên giao cho ngành văn hóa tổ chức đấu thầu, để có hình thức sử dụng hiệu quả nhất.

Một “điểm tựa”  để phát triển

PGS Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, để hiện thực hóa được các không gian văn hóa cho Hà Nội, TP nên phát động quyên góp, hiến tặng đất, nhà, tài chính… để xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa ở cơ sở. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ việc làm này, ví như đối với tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc huy động được nhiều nguồn lực (đất, tài chính…) cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa có thể biểu dương, thưởng bằng các hình thức ghi tên trên bảng vàng, hoặc đặt tên cho công trình, tạo điều kiện thuận lợi về đầu tư, bố trí việc làm cho các cá nhân có thành tích đặc biệt.

Hà Nội cũng cần tiếp tục phát triển, nâng cấp và quản lý chặt mạng lưới vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, hồ nước ở mỗi quận. Các núi ở Sóc Sơn và vùng Hà Nội mở rộng phải được quy hoạch về văn hóa, đặc biệt núi liên quan đến các vị Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng và động Hương Tích. Các Thành cổ Thăng Long, Thành Cổ Loa, Thành cổ Sơn Tây cần  được tiếp tục tôn tạo, cho dù ở những nơi này vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tôn tạo, trùng tu.

Việc quy hoạch để mỗi quận có một công viên văn hóa, trong đó vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, hồ nước và tượng đài không thể thiếu với tính chất là "lá phổi xanh" - nơi vui chơi giải trí và thư giãn của cư dân đô thị. Những không gian văn hóa ấy sẽ là một trong những điểm tựa quan trọng góp phần xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội trong thời kỳ mới.