Xây tổ ấm, không của riêng người vợ

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả nghiên cứu về gia đình Việt Nam, hiện tỷ lệ ly hôn ở nước ta đang tăng. Những xung đột trong trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng mái ấm là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Thờ ơ quá hóa vô trách nhiệm
Đã có sự thay đổi đáng kể về vai trò của các thành viên trong gia đình, tuy nhiên vẫn chưa thoát khỏi quan niệm việc nội trợ là của phụ nữ. Chính vì vậy, nhiều nam giới cho rằng sẽ “mất mặt” nếu vào bếp và cũng khiến không ít bức xúc nảy sinh.

Nhiều người chồng đang vô tình hoặc cố ý trở thành những vị "khách trọ" trong nhà mình. Nguyên nhân có nhiều, đơn thuần do bản tính, nhưng nhiều khi còn do tính chất công việc quá bận rộn…, họ không quan tâm đến việc sắp xếp, lo toan trong gia đình, mà phó thác hết cho vợ. Một người đàn ông đang “làm khách” trong nhà nói, đồ đạc trong nhà để đâu anh cũng không biết, ngay cả mẹ anh đến chơi nhờ anh lấy con dao để bà bổ táo cho cháu, anh cũng tìm loạn cả nhà. Mẹ anh chỉ còn biết thở dài nói “thế là không được đâu con, chồng là chỗ dựa cho vợ con, là chủ gia đình, mà con cứ như người ở trọ vậy, làm sao mà hạnh phúc được”.
 Ảnh minh họa.
Nhiều người khác chỉ làm vài việc nhà theo yêu cầu của vợ, còn lại cho vợ tự quản lý. Họ được gọi là những ông chồng “dễ chiều” và vô tình cứ như đồ thừa trong nhà. Không ít gia đình, việc nuôi dạy con cũng do người phụ nữ đảm nhiệm là chính. Con đau con ốm do mẹ chăm sóc, con học trường nào do mẹ lo. Cùng với đó, thờ ơ với việc nhà đồng nghĩa với vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình, dẫn đến nhiều sứt mẻ trong hạnh phúc. Nhiều người vợ rơi vào cảnh chán nản và cô đơn triền miên cũng chỉ vì những ông chồng quá thờ ơ với gia đình. Có người phụ nữ đã cay đắng thốt lên, chị không cần chồng phải mang về quá nhiều tiền, chị chỉ muốn con mình được gặp bố nhiều hơn. Sáng khi con dậy để đến trường, thì bố còn đang ngủ, tối khi con ngủ rồi thì bố mới về. Có ngày cuối tuần cả nhà cũng khó có bữa cơm chung… Đây không phải là vấn đề quá lớn, nhưng chính những vụn vặt trong cuộc sống gia đình, nếu được sẻ chia, được cùng gánh vác, hạnh phúc cũng theo đó phát triển thêm.

Bình đẳng có khó không?

Cuộc sống hiện đại, khái niệm “bình đẳng giới” được nói đến khá nhiều, việc chồng rửa bát, nấu cơm giúp vợ lúc bận rộn không còn là chuyện hiếm... Nhiều khảo sát đã kết luận: Trong gia đình, vợ chồng và các thành viên khác đều phải có trách nhiệm. Tự giác chia sẻ cùng nhau công việc trong nhà cũng như tình cảm của mọi người trong gia đình là cơ sở để hoàn thành mọi công việc, nuôi dưỡng nét văn hóa gia đình. Thời nay, vợ chồng không còn “ai là số một” nữa, mà ai cũng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Sự đóng góp của cả hai vợ chồng vào kinh tế gia đình, vào việc xây dựng, giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm của mình đều cần thiết và quan trọng như nhau.

Trong không ít cuộc tọa đàm với chủ đề “nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình”, nhiều người đàn ông lại lý giải, do phụ nữ ôm đồm hết việc nhà, nên đàn ông “không có cơ hội thể hiện”. Dù chỉ là cái cớ, nhưng cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Thực tế, chính vì người mẹ làm hết việc nhà, ngay từ nhỏ, nhiều bé gái đã cho rằng việc nhà là việc của phụ nữ. Mang theo tư tưởng này, nhiều cô gái sau khi kết hôn bỏ qua mọi nhu cầu của mình, tập trung cả sức lực và tinh thần cho gia đình. Khi người phụ nữ ôm đồm mọi việc thường làm “hư” chồng, con, khiến các thành viên trong gia đình quen với việc được phục vụ, được chăm sóc, mà không biết cách tự làm mọi việc và quan tâm đến vợ, mẹ.

Lâu nay người ta vẫn thường nói gia đình là tế bào của xã hội. Một xã hội văn minh, phát triển phải hàm chứa phần lớn những gia đình nền nếp, hạnh phúc. Còn để xem xét một gia đình nề nếp, hạnh phúc, bao giờ cũng bắt đầu từ hai thành viên cơ bản của gia đình là vợ, chồng. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên khi nghiên cứu gia đình về góc độ khoa học xã hội, người ta thường nhìn trước hết ở khía cạnh hôn nhân. Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi người cần phải biết tầm quan trọng của cuộc sống gia đình, về vai trò của người vợ, người chồng, trách nhiệm, bổn phận của từng người…

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, câu nói ấy không sai, nhưng để người đàn ông tăng hơn nữa vai trò của mình trong tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng nề nếp và định hướng cho con cái, hãy bắt đầu từ việc sẻ chia trong chính cuộc sống hàng ngày. Bởi hạnh phúc không bắt nguồn từ những điều to lớn, mà ở ngay trong sự sẻ chia, vun vén nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần