Xe buýt BRT Sau 3 tháng: Thành công với 1,2 triệu lượt khách

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 tháng đi vào hoạt động, xe buýt BRT đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ tích cực nhưng cũng chịu sức ép không nhỏ từ dư luận trái chiều.

Giới chuyên gia nhận định, còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay để giúp xe buýt BRT phát huy hết tính ưu việt của mình.

Thành công bước đầu

Ngày 1/1/2017, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự xuất hiện của loại hình vận tải công cộng (VTCC) khối lượng lớn đầu tiên của Hà Nội. Với những ưu thế như được chạy trên làn đường riêng; xe cỡ lớn; bán vé trong nhà chờ, giảm thiểu thời gian lên xuống... xe buýt BRT đã thực sự đạt được tiêu chí “nhanh” so với xe buýt thường. Anh Lê Quốc Khánh (Hà Đông) chia sẻ: “Giờ cao điểm sáng, tôi đi làm từ nhà đến cơ quan, ở khu vực Láng Hạ, bằng xe máy phải mất 30 - 45 phút, trường hợp UTGT thì còn lâu hơn. Nay đi bằng xe buýt BRT chỉ mất từ 25 - 30 phút, kể cả UTGT cũng không lâu hơn đi xe máy, mà lại nhàn”.

Chính sự thuận tiện và đáp ứng thời gian di chuyển thấp hơn hoặc tương đương xe cá nhân nên xe buýt BRT ngày càng có sức hút đối với hành khách.

Xe buýt BRT chạy trên đường Khuất Duy Tiến. Ảnh: Hải Linh

Kết quả khảo sát lấy ý kiến hành khách của Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, có tới 23,3% người dân trên tuyến đường đã chuyển từ xe cá nhân, xe ôm, taxi… sang sử dụng xe BRT. Trong đó lượng hành khách chuyển từ xe máy sang chiếm tỷ lệ lớn nhất với 16,3%; tỷ lệ nhỏ nhất là người dân chuyển từ ô tô cá nhân sang với 2,8%. Theo thống kê đến thời điểm này, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển hơn 1,2 triệu lượt hành khách và lượng khách vẫn tiếp tục tăng chứ không giảm. Trong giai đoạn miễn phí ban đầu từ 1/1 - 5/2, bình quân mỗi chuyến xe buýt BRT vận chuyển được 39 hành khách/lượt; 12.018 hành khách/ngày. Và từ khi thu phí, 6/2 - nay, bình quân mỗi chuyến xe buýt BRT vận chuyển được 42,5 hành khách/lượt; 14.472 hành khách/ngày. Lượng hành khách tập trung trên mỗi chuyến xe phân bố không đều, giờ thấp điểm chỉ đạt 19,5 hành khách/lượt; nhưng vào giờ cao điểm lại đạt sản lượng bình quân 75,9 hành khách/lượt; thậm chí có chuyến xe đạt 90 hành khách/lượt. TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) nhìn nhận: “Chỉ trong 4 tháng mà đã có sự tăng trưởng như vậy thì không thể nói là xe buýt nhanh BRT đang gây thất vọng hay phiến diện hơn nữa là thất bại. Dù có là người kém lạc quan cũng cần phải nhìn vào thực tế khách quan là xe buýt BRT đang tăng trưởng đều đặn”.

Khó khăn còn nhiều

Các chuyên gia nhận định, xe buýt BRT đang phải đối diện với 2 khó khăn chính: Thứ nhất, đại đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, thiếu sự tin cậy vào xe buýt nói chung và BRT nói riêng; thứ hai, hạ tầng trên tuyến vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành, thiếu sự kết nối hữu hiệu với các loại hình giao thông khác.

Dù rất lạc quan với kết quả hoạt động của xe buýt BRT thời gian qua nhưng Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nguyễn Trọng Thông vẫn cho rằng: “Việc hạn chế phương tiện cá nhân trên tuyến có ý nghĩa rất lớn với sự thành công của tuyến buýt. Có phương thức VTCC khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại rồi nhưng nếu người dân vẫn giữ thói quen sử dụng xe cá nhân thì cũng khó lòng phát huy hiệu quả của chúng”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cũng đưa ra nhận định, lượng hành khách sử dụng BRT để đi làm, đi học vào các ngày làm việc trong tuần chỉ khoảng 4.000 - 5.000 hành khách/ngày, chiếm khoảng 30%; 70% lượng khách còn lại sử dụng BRT cho các mục đích khác. Như vậy lượng người trong độ tuổi lao động - nhóm đối tượng chính của VTCC vẫn chưa đến với xe buýt BRT.
 Xe buýt BRT vận hành trên đường Lê Văn Lương

Về hạ tầng trên tuyến, dù đã có làn đường riêng, được phân cách rõ ràng nhưng trong giờ cao điểm, tình trạng xe buýt BRT bị các phương tiện khác lấn làn vẫn diễn ra phổ biến. Thực tế này đang gây ra rất nhiều khó khăn cho việc đảm bảo thời gian vận hành của xe buýt BRT. Bên cạnh đó, như chuyên gia Nguyễn Ngọc Quang đánh giá, việc kết hợp VTCC khối lượng lớn với các phương tiện giao thông phi cơ giới còn gần như bị bỏ ngỏ, khiến khả năng tiếp cận, kết nối với xe buýt BRT bị hạn chế tối đa. Điều kiện hạ tầng cho người đi bộ dọc theo tuyến BRT 01 và các phố lân cận những điểm dừng của BRT chưa tốt, không thuận lợi. Nhiều đường có hè hẹp, dưới 1.5m, thậm chí nhỏ hơn 0.75m hoặc không có hè, bị lấn chiếm để kinh doanh hoặc đỗ xe nên không gian còn lại cho người đi bộ rất hạn chế; điều kiện cây xanh, bóng mát cho người đi bộ cũng chưa được đáp ứng... Ông Nguyễn Ngọc Quang kết luận, chiến lược giảm UTGT phụ thuộc rất lớn vào việc những người trong độ tuổi lao động có từ bỏ xe cá nhân, chuyển sang sử dụng VTCC để đi làm hàng ngày hay không. Việc kết hợp giữa VTCC với phương tiện giao thông tiếp cận, bao gồm cả đi bộ, xe đạp và phương tiện trung chuyển khác chính là sự bù đắp các nhược điểm và phát huy thế mạnh của nhau. Nó có ý nghĩa then chốt, giúp VTCC cạnh tranh được với phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Cần thêm những giải pháp

Các chuyên gia cho rằng, tuyến buýt BRT 01 đang đạt hiệu quả rất đáng khích lệ, được người dân ủng hộ tích cực. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa hiệu quả của nó, cần có thêm những giải pháp căn cơ, bền vững, và quan trọng nhất là xe buýt BRT phải biết cách vượt qua sức ép từ dư luận trái chiều, chứng minh giá trị của mình bằng kết quả cụ thể. Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nguyễn Trọng Thông khẳng định: “Không có làn đường riêng, lưu thông chung với các loại phương tiện cá nhân là hạn chế lớn nhất của VTCC hiện nay. Chẳng riêng gì xe buýt BRT mà cả xe buýt thường cũng cần được ưu tiên tối đa không gian lưu thông mới đáp ứng được yêu cầu về thời gian di chuyển của hành khách”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang thì đặc biệt đề cao vai trò của việc hình thành mối liên kết tương hỗ bền chặt giữa VTCC và các phương tiện giao thông tiếp cận. Ông Quang nhìn nhận: “Cùng với tuyến buýt nhanh BRT 01, tuyến ĐSĐT đầu tiên số 2A cũng sẽ sớm được đưa vào khai thác. Sự kết hợp giữa tuyến BRT01 và tuyến đường sắt đô thị số 2A sẽ tạo thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại đầu tiên của Thủ đô. Vậy nên, hạ tầng cho giao thông tiếp cận dọc theo khu vực hành lang này cần được quan tâm đầu tư kịp thời, nhanh chóng”. Cần cải tạo quy hoạch thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông tiếp cận cũng như khu vực hành lang 2 tuyến VTCC hiện đại này; để tạo ra hình ảnh và sức sống mới cho hệ thống VTCC hiện đại, thu hút người dân, đặc biệt là người trong độ tuổi lao động, quan tâm, lựa chọn các loại hình VTCC.

Một trong những khó khăn lớn nhất của xe buýt BRT hiện nay là sức ép từ dư luận trái chiều. 3 tháng là khoảng thời gian quá ngắn, đánh giá BRT đã thất bại là một ý kiến tiêu cực và chủ quan. Hãy nhìn nhận xe buýt BRT một cách toàn diện, cùng chia sẻ những khó khăn để nó sớm phát huy hết hiệu quả của loại hình VTCC khối lượng lớn.

Chuyên gia giao thông  Đặng Chí Nga


Hà Nội nên sớm triển khai mô hình thí điểm xe đạp công cộng dọc tuyến buýt BRT 01 và thí điểm các mô hình phương tiện giao thông trung chuyển như minibus, ô tô điện... trên các tuyến giao cắt để tăng khả năng tiếp cận của BRT tới các địa điểm tập trung đông người.

Chuyên gia giao thông  Nguyễn Ngọc Quang


Có mạng lưới VTCC đủ năng lực đáp ứng mới có cơ sở để hạn chế xe cá nhân, giảm thiểu UTGT trên mọi tuyến đường TP. Thay vì hồ nghi, hãy mạnh dạn hành động, tập trung toàn lực để xây dựng, phát triển mạng lưới VTCC trước khi Hà Nội rơi vào cảnh UTGT toàn diện.

Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội  Nguyễn Trọng Thông