Xe buýt điện: Chi ít, lợi nhiều

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm, Hà Nội phải chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá cho xe buýt để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Khoản tiền đó có thể giảm đáng kể mà vẫn mang lại hiệu quả gấp nhiều lần nếu sử dụng xe buýt điện, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Xe buýt điện Vinbus được Vingroup triển khai ở Hà Nội
Xe buýt điện Vinbus được Vingroup triển khai ở Hà Nội

Hà Nội hiện có 2.136 xe buýt phục vụ người dân đi lại nhưng chỉ có 48 xe buýt điện, 102 xe chạy bằng khí tự nhiên CNG. Ước tính khoản chi phí xăng, dầu cho hơn 2.000 xe buýt thường lên đến hàng tỷ đồng mỗi ngày. Để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, nhằm hạn chế lượng phương tiện giao thông trên đường cũng như giảm thiểu khí thải ra môi trường, TP phải chi cả nghìn tỷ đồng mỗi năm trợ giá cho xe buýt.

Vai trò của xe buýt đối với hệ thống giao thông và môi trường của Hà Nội là vô cùng quan trọng nhưng gánh nặng chi phí cũng không hề nhỏ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chi phí xăng, dầu tăng bao nhiêu khoản trợ giá của TP sẽ tăng thêm bấy nhiêu. Mặt khác, hơn 2.000 xe buýt sử dụng xăng, dầu mỗi ngày sẽ đẩy vào bầu không khí một lượng khí thải không nhỏ, gia tăng thêm sức ép lên môi trường sống của người dân.

Tất cả những vấn đề đó có thể được giải quyết nếu mạng lưới xe buýt của TP dần được thay thế bằng xe điện. Ngày 15/3, tuyến buýt điện thứ 4 (tuyến E02) lộ trình từ Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park chính thức hoạt động. Như vậy, đến nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành 4 tuyến xe buýt điện. Thực tế cho thấy, mức độ ảnh hưởng đến môi trường của xe buýt điện là bằng 0 và dù xăng, dầu lập đỉnh cũng không khiến chi phí trợ giá tăng thêm xu nào. Mặt khác, chi phí sửa chữa của xe buýt điện lại thấp hơn nhiều lần so với xe chạy bằng xăng, dầu. Vấn đề đáng quan tâm nhất chỉ là giá thành một chiếc xe buýt điện cao hơn gấp 1,5 - 2 lần xe buýt thường.

Đối mặt với nỗi lo chi phí đi lại khi xăng, dầu tăng chưa có điểm dừng, không ít người dân sẽ lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính, cùng với đó là chi phí trợ giá cho xe buýt có thể tăng cao, thêm gánh nặng cho ngân sách TP. Nhân lên số lượng xe buýt điện trong hệ thống vận tải công cộng có thể góp phần giải quyết tốt những hệ lụy này. Xe buýt điện vừa thân thiện, bảo vệ môi trường, vừa giúp giảm chi phí trợ giá dù giá xăng, dầu lên xuống bất thường. Nếu Hà Nội có hàng nghìn chiếc xe buýt điện, mạng lưới vận tải công cộng sẽ ngày càng hiện đại, văn minh hơn, khoản đầu tư ngân sách sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Không quá khi nói đầu tư cho xe buýt điện là “chi ít lợi nhiều”.

Xe buýt điện mới chỉ xuất hiện tại Hà Nội vài tháng qua, đạt tỷ trọng chưa đến 3% toàn mạng lưới nhưng hiệu quả và lợi ích mang lại rất rõ rệt. Giới chuyên gia đã khẳng định, giá trị của vận tải công cộng không thể tính đếm bằng bài toán kinh tế đơn thuần. Cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông tại Hà Nội không chỉ thấy rõ ngay trước mắt mà còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

Bởi vậy, TP cần có sự quyết tâm, nhanh chóng dịch chuyển cơ cấu phương tiện trong hệ thống vận tải công cộng từ xe xăng, dầu sang xe điện. Đồng thời tăng cường thêm nhiều tuyến xe buýt điện, không chỉ vì lợi ích hôm nay mà còn vì tương lai của nhiều thế hệ mai sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần