Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt Hà Nội cần gì để lớn mạnh?

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt chưa đáp ứng được hết yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng dịch vụ mà người dân Thủ đô kỳ vọng. Xe buýt Hà Nội vẫn cần nhiều trợ lực nữa để phát triển và đáp ứng yêu cầu mục tiêu đã đặt ra...

Cái khó bó cái khôn

Nhiều thập kỷ qua, xe buýt vẫn luôn là loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) giá rẻ nhất, phổ biến nhất của Hà Nội. Xe buýt đã có một lịch sử gắn bó lâu dài với Thủ đô hơn cả taxi, tàu điện, xe ôm… Bất chấp mọi biến thiên của xã hội, vai trò của xe buýt vẫn không thể thay thế.

Xe buýt BRT có làn đường riêng cũng như không
Xe buýt BRT có làn đường riêng cũng như không

Với không ít người, xe buýt chưa đáp ứng được kỳ vọng, còn nhiều nhược điểm như: chậm chạp, chất lượng dịch vụ không cao… dù được thành phố chi hàng ngàn tỷ đồng ngân sách mỗi năm để trợ giá.

Nhưng từ một góc nhìn đối diện sẽ thấy, tiền không phải là tất cả, không phải yếu tố duy nhất quyết định chất lượng của xe buýt. Còn rất nhiều điều Hà Nội chưa làm được khiến loại hình VTHKCC chủ lực này lâm cảnh “cái khó bó cái khôn”.

Về nguyên tắc, VTHKCC là phải được ưu tiên, được tạo điều kiện tối đa để thay thế phương tiện cá nhân phục vụ số đông, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hay nói cách khác, xe buýt sinh ra là để được vận hành trong điều kiện ưu tiên.

Nhưng đó chỉ là giấc mơ xa vời với xe buýt Hà Nội. Hàng chục năm qua, hầu như không một tuyến đường nào khi quy hoạch, thiết kế có tính đến làn đường riêng, vị trí lắp đặt điểm dừng, nhà chờ cho xe buýt.

Tuyến buýt duy nhất có làn đường riêng là BRT01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa thì bị xem là phản cảm, tổ chức hoạt động nửa vời, đơn độc trước sự chèn ép của phương tiện cá nhân.

Ngay trong nội thành Hà Nội, hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt rất nghèo nàn, hầu hết chỉ có một cột biển báo, không mái che; thậm chí còn bị biến thành nơi tập kết rác, buôn bán hàng rong… trước sự thờ ơ của chính quyền và lực lượng chức năng sở tại.

Dù có đến hàng vạn lái xe, nhân viên phục vụ và tương lai còn đông hơn nữa, nhưng Hà Nội chưa có một trường lớp nào đào tạo bài bản, chính quy “nghề xe buýt”.

Lương thấp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với hành khách yếu kém khiến nhân viên phục vụ trên xe buýt trở thành một nghề vô cùng áp lực, khó giữ chân người lao động. Mà thiếu nhân sự chất lượng, bất ổn về đội ngũ thì làm sao có thể đòi hỏi dịch vụ xe buýt ngày càng được nâng cao.

Kịch bản phát triển chung cho VTHKCC trên thế giới là quy hoạch hạ tầng, tàu điện, xe buýt trước rồi trên cơ sở đó mới quy hoạch các khu đô thị, khống chế số lượng dân cư.

Nhưng Hà Nội thì ngược lại, cứ hình thành các khu dân cư đông đúc rồi mới đặt thêm vào đó vài tuyến xe buýt để chắp vá, đắp đổi. Mà khi đã hình thành khu dân cư, đường sá rồi, mở tuyến buýt ra sẽ thiếu đường riêng, vị trí lắp đặt nhà chờ… khiến xe buýt gặp hạn chế rất lớn về năng lực vận hành.

Tất cả những hạn chế đó là điều mà chính quyền đô thị của Hà Nội phải khắc phục, giải quyết để cho xe buýt những điều kiện ưu tiên vốn là tiền đề quan trọng nhất quyết định sự thành bại của nó.

Thiếu sự đồng cảm

Không chỉ gặp khó khăn về hạ tầng, chính sách mà xe buýt Hà Nội còn phải chịu một áp lực vô cùng lớn từ bộ phận không nhỏ người dân thiếu sự đồng cảm, thường phán xét một cách phiến diện.

Xe buýt vốn là loại hình phương tiện được ưu tiên khi hoạt động. Nhưng hàng ngày trên đường có bao nhiêu người tham gia giao thông sẵn sàng nhường đường cho xe buýt (?).

Hình ảnh thường thấy nhất là xe buýt bị lấn làn, chèn ép, coi như một loại phương tiện “phiền phức”, gây ùn tắc giao thông hơn, trong khi điều nó cần nhất là được nhường đường.

Không có làn đường riêng, hoặc có nhưng bị xâm lấn, xe buýt không thể đảm bảo giờ giấc đi lại phục vụ hành khách. Nhiều người cực chẳng đã phải bỏ xe buýt quay về với xe cá nhân, đó đâu chỉ là lỗi của xe buýt.

Hiện tượng biến điểm dừng, nhà chờ xe buýt thành chân rác, hàng quán… không chỉ bắt nguồn từ sự thờ ơ của chính quyền sở tại, mà còn có nguyên nhân từ sự thiếu ý thức của bộ phận không nhỏ người dân.

Những hiện tượng như: mắng chửi hành khách đứng chờ xe buýt gây cản trở việc buôn bán; bày hàng rong tại nhà chờ, điểm dừng; tìm mọi cách đẩy vị trí dừng chờ ra xa cửa nhà… diễn ra thường xuyên hàng ngày tại Hà Nội. Đó là nguồn cơn khiến việc tiếp cận xe buýt trở nên khó khăn, nới rộng khoảng cách giữa người dân với loại hình VTHKCC này.

Thời gian qua trên một số mạng xã hội đưa nhiều thông tin và quan điểm về chất lượng phục vụ cũng như ý thức của hành khách đi xe buýt. Nhiều diễn đàn thống kê hàng ngày những hành vi thiếu chuẩn chỉ của nhân viên phục vụ xe buýt.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những diễn đàn công khai hình ảnh phản cảm không kém của các “thượng đế” như: thanh niên không nhường chỗ cho người già; người già sẵn sàng mắng chửi lái phụ xe khi không vừa ý; hành khách nằm, ngồi tuỳ tiện trên xe buýt…

Điều đó cho thấy không chỉ chất lượng phục vụ của xe buýt Hà Nội còn có tồn tại mà ý thức của nhiều hành khách cũng rất thấp, chưa có sự tôn trọng, đúng mực, và đồng cảm với những người làm nghề phục vụ trong hệ thống VTHKCC.

Thậm chí còn có những người vẫn lầm tưởng xe buýt là phương tiện “rẻ tiền”, chỉ dành cho người nghèo. Chính sự lầm tưởng đó cùng với tâm lý “sỹ diện” khiến nhiều hành khách có hành xử thiếu văn minh, gây áp lực cho nhân viên phục vụ, góp phàn đẩy chất lượng dịch vụ xe buýt đi xuống.

Không thể phủ nhận mạng lưới xe buýt của Hà Nội còn nhiều tồn tại, bất cập. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công bằng, ý thức rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, không thể đổ hết mọi lỗi lầm cho xe buýt.

Nếu được vận hành theo đúng kịch bản ưu tiên, nếu cả người dân lẫn các đơn vị vận tải cùng chung tay chia sẻ khó khăn, tôn trọng lẫn nhau, xây dựng văn hoá giao thông nói chung, văn minh xe buýt nói riêng, những bất cập nêu trên sẽ dần được giải quyết. Và người hưởng lợi lớn nhất từ chất lượng dịch vụ của xe buýt chính là người dân.