Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt Hà Nội: Hiện đại hóa để bắt kịp xu thế

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dòng chảy mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Muốn phát triển và thành công, hệ thống xe buýt của Hà Nội phải bắt kịp xu thế, không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành và cung cấp các tiện ích cho hành khách.

Xe buýt vận hành trên phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Linh

Nhu cầu tất yếu
Kể từ khi các loại hình xe ôm, taxi công nghệ xuất hiện, xe buýt phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Giá vé rẻ - lợi thế lớn nhất của xe buýt đã không còn mang tính chất quyết định, đảm bảo thị phần cho loại hình vận tải công cộng (VTCC) đặc thù này. Hành khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, thậm chí chỉ với chi phí tương đương để có được chuyến đi với nhiều tiện ích và thuận lợi hơn hẳn xe buýt. Đó là một trong những lý do khiến tỷ lệ vận chuyển của xe buýt trồi sụt thất thường trong nhiều năm qua.

Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chia sẻ, nhận thức được xu thế mới của thị trường, đơn vị đã đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp các tiện ích, tối ưu dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn, giữ chân hành khách. Trong khoảng 5 năm qua, xe buýt của Transerco đã được trang bị những tiện ích như wifi miễn phí; hệ thống âm thanh, đèn led thông báo điểm dừng; quẹt thẻ thanh toán tiền vé… trên xe. Đặc biệt, ứng dụng Timbuyt đã được quảng bá rộng rãi, trở thành công cụ tìm kiếm xe buýt ngày càng phổ biến đối với người dân, hành khách.

Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát đã được cả Sở GTVT Hà Nội và Transerco đưa vào vận hành, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro của xe buýt, hướng tới sự hài lòng của hành khách. Hiện, không ít xe buýt của Transerco đã bắt đầu trang bị cả camera ghi hình bên trong xe. Đây được xem là biện pháp mang lại sự an tâm cho cả hành khách lẫn lái, phụ xe trên mỗi hành trình.

Bên cạnh đó, xe buýt Hà Nội cũng đang dẫn đầu xu thế “xanh hóa” với việc đầu tư hàng trăm phương tiện đạt chuẩn khí thải rất cao, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ví dụ như Transerco đã có hàng chục tuyến buýt sử dụng hoàn toàn phương tiện đạt chuẩn khí thải EURO IV, V. Hay xe buýt sử dụng nhiên liệu khí CNG cũng đã được TP trợ giá hoạt động trên nhiều tuyến đường trung tâm, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường không khí của Hà Nội. Sắp tới, dự kiến còn có hàng trăm xe buýt chạy điện được đưa vào vận hành, hướng tới mục tiêu giao thông xanh cho cả TP.

Còn nhiều việc phải lo

Định hướng phát triển mạng lưới xe buýt hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin của Hà Nội đã rõ; các DN tham gia khai thác loại hình VTCC này cũng đang đầu tư rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt, đặc biệt là vai trò “nhạc trưởng” của Sở GTVT Hà Nội cần được phát huy rõ rệt, hiệu quả hơn.

Hiện, Hà Nội có 126 tuyến xe buýt với hàng nghìn phương tiện do nhiều DN khác nhau vận hành, khai thác. Tuy nhiên, trên ứng dụng Timbuyt mới chỉ có thông tin về các tuyến buýt của đơn vị duy nhất là Transerco, dẫn đến nhiều bất cập, bất tiện cho người dùng. Nếu muốn tổng hợp đầy đủ dữ liệu về xe buýt Hà Nội để cung cấp tiện ích cho người dân, cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy vai trò cầu nối, đưa ra định hướng, giải pháp nhằm hài hòa lợi ích các bên, từ đó biến ứng dụng Timbuyt thành kho dữ liệu dùng chung, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa trợ giúp đắc lực cho công tác quản lý.

Mặt khác, mạng lưới VTCC của Hà Nội sắp có sự hiện diện của đường sắt đô thị trong vai trò xương sống. Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan nhận định, để đồng bộ năng lực vận chuyển, hỗ trợ đường sắt đô thị hoạt động hiệu quả cũng như phát huy vai trò riêng của mình, xe buýt cần nhanh chóng thích nghi và được trang bị thêm các tiện ích.
“Ví dụ như Thẻ vé liên thông, sử dụng được cho cả đường sắt đô thị lẫn xe buýt đã từng được TP thí điểm, đến nay cần có kế hoạch đưa vào sử dụng thực tế để tiện lợi cho người dân” - ông Đỗ Cao Phan đề xuất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong hiện tại và cả tương lai, xe buýt luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trên bản đồ VTCC của đô thị Hà Nội. Để phát huy năng lực, không ngừng hoàn thiện, hướng tới hiện đại, văn minh, tiện ích cho người dân, xe buýt cần liên tục đổi mới và Sở GTVT Hà Nội phải là “nhạc trưởng” dẫn dắt quá trình đổi mới đó.