Xe buýt "nhái" ngang nhiên hoạt động: Cơ quan quản lý bó tay?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau một thời gian các xe buýt "nhái" hoạt động trên tuyến Mỹ Đình - Sơn Tây bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nên đã chấm dứt hoạt động.

 Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số tuyến đường buýt "nhái" lại tái xuất. Điều đáng nói là các xe buýt "nhái" ngang nhiên hoạt động ngay trên chính luồng tuyến của buýt thật.

Xe buýt “nhái” giống hệt buýt thật

Ngày 19/10, tổ tuần tra Đội CSGT số 5 khi làm nhiệm vụ tại đường Nguyễn Văn Cừ đã phát hiện xe buýt tuyến 205 mang BKS 29B-018.32 có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Kiểm tra xe, phát hiện đây không phải xe buýt mà chỉ là xe khách đã nhái lại từ màu sơn, kết cấu xe đến việc gắn logo, lộ trình hệt như xe buýt tuyến số 205 để chở khách. Ông Lê Anh Dũng, Trưởng Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, khi kiểm tra xe BKS 29B-018.32, nhận thấy xe này "nhái" y chang xe buýt của Trung tâm Tân Đạt, một đơn vị thành viên của Tổng công ty.

Chưa hết, trong thời gian gần đây đã có rất nhiều người dân phản ánh về việc đi nhầm xe buýt "nhái" bị thu tiền vé quá giá quy định. Các xe buýt "nhái" chủ yếu hoạt động trên tuyến như Kim Mã - Sơn Tây, Mỹ Đình - Xuân Canh, Gia Lâm - Hưng Yên, Giáp Bát - Hưng Yên, đặc biệt là những xe buýt xuất phát từ khu vực bến xe Yên Nghĩa. Thậm chí ngay trên đường Khuất Duy Tiến, đoạn rẽ ra Nguyễn Trãi, phóng viên đã phát hiện xe khách mang biển số 33H - 7458 có "vẻ ngoài" giống xe buýt Hà Nội như hai giọt nước, trên xe có treo logo của Hợp tác xã vận tải Tín Lợi. Điểm khác biệt duy nhất của chiếc xe này là phía trước và sau xe không có số hiệu tuyến. Bù lại, lộ trình xe được ghi rõ ràng: Mỹ Đình - Yên Nghĩa, Tản Hồng - Phú Phương.

Ông Hà Vinh Quang, Đội trưởng đội Thanh tra GTVT đường bộ cho biết nhìn bên ngoài, những chiếc xe khách này giống xe buýt đến mức… không thể phân biệt được. Các xe đều sơn 2 màu vàng, đỏ giống hệt xe buýt, cũng đón, trả khách tại điểm dừng, đỗ của xe buýt. Cũng theo ông Quang, phần lớn những chiếc xe buýt được gọi là "nhái" này là những xe nhỏ, chỉ 24 chỗ, có đăng ký xe màu vàng, đỏ. Những xe này chủ yếu hoạt động trên các tuyến Hà Nội đi các huyện thuộc Hà Tây cũ.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Thừa nhận hiện tượng buýt "nhái" vẫn còn tồn tại gây bức xúc cho hành khách, Phó Chánh Thanh tra GTVT Hoàng Văn Mạnh cho biết với những xe buýt "nhái" mắc lỗi vi phạm trong trường hợp không có phù hiệu, không thu vé của khách, thu tiền của khách nhưng không xuất vé, không có sổ lịch trình thì mức xử phạt hành chính tối đa là 3 triệu đồng và giữ xe 10 ngày. Bởi trong giấy phép hoạt động của xe đều ghi rõ được kinh doanh vận tải hành khách. Lỗi phổ biến mà lực lượng chức năng có thể xử phạt với loại xe “nhái” này là đón trả khách sai quy định tại điểm dừng đỗ của xe buýt. Ông Mạnh cho rằng, tạm giữ phương tiện vẫn có hiệu quả cao nhất tuy nhiên, với các xe buýt "nhái" vi phạm, cùng lắm cũng chỉ tạm giữ xe 10 ngày. Với thời gian tạm giữ xe ngắn như vậy chưa đủ sức răn đe. Theo quy định trước đây, trong trường hợp vi phạm lần đầu, phương tiện sẽ bị cơ quan chức năng giữ trong vòng 15 ngày, vi phạm lần 2 là 30 ngày, tái phạm lần 3 là 60 ngày, nhưng nay đã không còn được áp dụng.

Trước tình trạng xe buýt "nhái" đang hoạt động ngày càng công khai hơn, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị - Sở GTVT Hà Nội đã cho in cuốn sổ tay hướng dẫn hành khách đi xe buýt gồm đầy đủ những thông tin cần thiết giúp người dân đi đúng tuyến, đúng điểm chờ, tránh hiện tượng gặp phải xe buýt giả.

"Trường hợp người dân phát hiện những sai phạm liên quan đến hoạt động của xe buýt, xe khách, có thể gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng của Thanh tra Sở GTVT, số điện thoại: 043. 8217922 (24/24 giờ) để được tiếp nhận và xử lý thông tin" - ông Mạnh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần