Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự xuất hiện của loại hình vận tải công cộng (VTCC) khối lượng lớn đầu tiên tại Hà Nội, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã thu hút được trên 2 triệu lượt hành khách. Với những ưu thế như được chạy trên làn đường riêng; xe cỡ lớn; bán vé trong nhà chờ, giảm thiểu thời gian lên xuống..., xe buýt BRT đã thực sự đạt được tiêu chí “nhanh” so với xe buýt thường. Anh Trần Thanh Tùng (Ba Đình) chia sẻ: “Cùng một cung đường, trước đây sử dụng xe máy trong giờ cao điểm, tôi phải mất 30 - 45 phút, trường hợp UTGT thì còn lâu hơn. Nay đi bằng xe buýt BRT chỉ mất từ 25 - 30 phút, kể cả UTGT cũng không lâu hơn đi xe máy, mà lại nhàn”. Chính sự thuận tiện và đáp ứng thời gian di chuyển thấp hơn hoặc tương đương xe cá nhân nên xe buýt BRT ngày càng có sức hút đối với hành khách.
|
Xe buýt BRT chạy trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Hải Linh |
Kết quả khảo sát lấy ý kiến hành khách của Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, có tới 23,3% người dân trên tuyến đường đã chuyển từ xe cá nhân, xe ôm, taxi… sang sử dụng xe BRT. Trong đó, lượng hành khách chuyển từ xe máy sang chiếm tỷ lệ lớn nhất với 16,3%; tỷ lệ nhỏ nhất là người dân chuyển từ ô tô cá nhân sang với 2,8%. Các chuyên gia cho rằng, tuyến buýt BRT 01 đang đạt hiệu quả rất đáng khích lệ, được người dân ủng hộ tích cực.
Trên thực tế, hiện mới chỉ có duy nhất tuyến BRT 01, các tuyến buýt thường kết nối dù đã được điều chỉnh nhưng cũng chỉ là giải pháp nhất thời trong khi chờ đợi phát triển đồng bộ mạng lưới VTCC. Nếu được kết nối với nhiều hơn nữa những loại hình VTCC khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe điện một ray hay các tuyến buýt nhanh khác, chắc chắn xe buýt BRT sẽ còn cho hiệu quả tích cực hơn nữa.
Vẫn nhiều gian khóCác chuyên gia nhận định, xe buýt BRT đang phải đối diện với 2 khó khăn chính. Thứ nhất, đại đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, thiếu sự tin cậy vào xe buýt nói chung và BRT nói riêng. Thứ hai, hạ tầng trên tuyến vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành, thiếu sự kết nối hữu hiệu với các loại hình giao thông khác. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng: “Việc hạn chế phương tiện cá nhân trên tuyến có ý nghĩa rất lớn với sự thành công của tuyến buýt. Có phương thức VTCC khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại rồi nhưng nếu người dân vẫn giữ thói quen sử dụng xe cá nhân thì cũng khó lòng phát huy hiệu quả của chúng”.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, việc đưa tuyến xe buýt nhanh vào hoạt động thể hiện quyết tâm chính trị rất mạnh mẽ của Hà Nội. Chắc chắn, trên một hành lang giao thông như hiện nay thì không riêng gì Hà Nội mà ở đâu cũng sẽ xảy ra chuyện các phương tiện lấn làn của buýt nhanh. Người ta đang có thói quen đi lại trên làn xe buýt nhanh nên khi xe buýt nhanh hoạt động, họ vẫn duy trì thói quen đó.
Giám đốc Xí nghiệp buýt nhanh BRT Nguyễn Thủy cho biết, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, những kết quả lạc quan, vẫn còn một số trăn trở với tuyến buýt BRT. Dù đã cấm hoàn toàn, nhưng tình trạng dừng đỗ xe dọc tuyến buýt BRT 01 vẫn tồn tại. Đặc biệt là tình trạng lấn làn, gây cản trở xe buýt BRT vận hành còn diễn ra phổ biến. Một số điểm có nguy cơ hình thành điểm đen trên tuyến BRT 01 như tại ngã tư Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương; ngã tư Khuất Duy Tiến - Tố Hữu…
Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, TP đã giao các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra GTVT cùng phối hợp xử lý, kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân hạn chế dần vi phạm. Hiện, TP cũng đã có quyết định chính thức cho phép xử phạt phương tiện cố tình lấn làn xe buýt BRT.