Ngay cả trong khó khăn, gian khổ, xe buýt vẫn tận tụy phục vụ như những “xa phu” thầm lặng, kiên trì, trở thành một phần không thể thiếu của đời sống đô thị Hà Nội.
Bài 1: Bền bỉ vượt khó khăn
Xe buýt đã xuất hiện tại Thủ đô từ rất sớm, nhưng khoảng hơn 20 năm qua là quãng thời gian phát triển mạnh mẽ nhất của loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ lực này. Để chiếm được một vị trí quan trọng trên bản đồ giao thông cũng như trong đời sống của cư dân đô thị, xe buýt Hà Nội đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua hết khó khăn này đến gian nan khác.
Nhân vật chính của vận tải công cộng
Hàng chục năm về trước, xe buýt Hà Nội chỉ là một “vai phụ” trong thị trường VTHKCC, mạng lưới tuyến thưa thớt, ít xe, chất lượng dịch vụ thấp, chủ yếu hoạt động trong khu vực nội thành. Nhưng từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21, xe buýt Hà Nội đã vươn mình bứt phá ngoạn mục, dần trở thành nhân vật chính, lực lượng chủ lực của VTHKCC Thủ đô.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ: “Từ khoảng năm 2000, Hà Nội bắt đầu mở rộng mạng lưới xe buýt, đầu tư phương tiện chất lượng cao, và quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ được nâng cao trong khi giá vé vẫn duy trì mức rất rẻ. Đó là thời điểm xe buýt bắt đầu lột xác, trở nên gần gũi, quan trọng với người dân hơn”.
Từ chỗ chỉ được biết đến trong khu vực nội thành, nay xe buýt đã phủ đều toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội với 154 tuyến, khoảng 2.000 phương tiện, gần 4.000 điểm dừng, nhà chờ.
Xe buýt sạch sử dụng năng lượng điện và khí CNG ngày càng xuất hiện nhiều. Các tiện ích hiện đại như wifi miễn phí, tìm buýt qua mạng internet… được trang bị trên tất cả các tuyến. Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, xe buýt hiện đã đáp ứng gần 18% nhu cầu đi lại của khoảng 8 triệu cư dân Thủ đô; năng lực thực tế có thể đáp ứng trên 30%.
Hà Nội hiện đã có đường sắt đô thị (ĐSĐT), loại hình vận tải khối lượng lớn, hiện đại, văn minh, được ví như xương sống của VTHKCC. Trong bối cảnh đó, vai trò của xe buýt lại càng trở nên quan trọng, hỗ trợ cho ĐSĐT phát huy tối đa hiệu quả vận hành. Sự kết hợp hài hòa giữa xe buýt và ĐSĐT đang dần tạo nên một hệ thống VTHKCC hoàn chỉnh cho Thủ đô, hướng tới mục tiêu thay thế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Văn Bính - Tổ trường Tổ dân phố số 42, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2, quận Hoàng Mai chia sẻ: “Xe buýt có vai trò rất quan trọng với đời sống người dân. Sinh viên, học sinh đi học, người già đi chơi, cán bộ, công nhân viên đi làm đều có thể sử dụng xe buýt. Đặc biệt là người đi khám chữa bệnh, người dân ngoại thành, ngoại tỉnh về Hà Nội, đều lựa chọn xe buýt vì giá rẻ, đi đến nơi về đến chốn”.
Từng bước gian nan
Những năm qua, xe buýt Hà Nội ngày càng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Sự xuất hiện của các loại hình VTHKCC khác với sức cạnh tranh mạnh mẽ tạo nên áp lực không nhỏ; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để lại hậu quả nặng nề; ùn tắc giao thông khiến hiệu quả hoạt động của xe buýt bị hạn chế đáng kể…
Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, xe buýt vẫn thu hút hành khách nhờ giá vé rẻ, mạng lưới tuyến phủ đều, thuận tiện đi lại cho người dân. Nhưng không thể phủ nhận thực tế xe buýt đang phải cạnh tranh khốc liệt với xe ôm, taxi công nghệ, đặc biệt là trên những cung đường ngắn. Ngay cả tình trạng xe khách trá hình, xe đi chung, xe tiện chuyến nở rộ cũng ảnh hưởng đến lượng hành khách sử dụng xe buýt.
Sứ mệnh của xe buýt là phục vụ người dân, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, qua đó giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nhưng với hàng loạt hình thức xe VTHKCC khác đua tranh như hiện nay, xe buýt gặp rất nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, năm 2022, sản lượng hành khách của xe buýt Hà Nội chưa thể phục hồi như thời điểm trước đó, các DN khai thác loại hình VTHKCC này còn rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, lượng phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp ở hầu khắp các địa phương, đặc biệt là nội đô cũng khiến xe buýt gặp khó. Hiện xe buýt vẫn phải lưu thông chung với các loại hình phương tiện khác, thời gian di chuyển chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên chưa thu hút được khách.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh nhận định: “Có thể thấy xe buýt thiếu một không gian phát triển thuận lợi nên chưa có sức hấp dẫn với người dân. Lượng hành khách không cao sẽ khiến doanh thu của DN thấp, nguồn lực tái đầu tư cũng bị hạn chế. Muốn nâng cao chất lượng xe buýt trong hoàn cảnh này là cực kỳ khó khăn”.
Đứng trước những thách thức đó, xe buýt Hà Nội vẫn bền bỉ từng ngày, miệt mài nỗ lực phục vụ Nhân dân, giữ vững vai trò chủ lực của mình trong mạng lưới VTHKCC của TP. Bằng chứng là xe buýt đã có khả năng đáp ứng trên 30% nhu cầu đi lại của người dân, xóa vùng trắng xe buýt trên toàn địa bàn Thủ đô. Điều cần làm bây giờ là những người quản lý, vận hành xe buýt cần nhận định rõ những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới, có giải pháp cụ thể cho từng vấn đề để xe buýt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút người dân nhiều hơn nữa.
(Còn nữa)