Nghịch lý về lộ trìnhChị Ngọc Phương nhà trên đường Hoàng Diệu chia sẻ, mình cảm thấy bất tiện khi phải đi một quãng đường rất xa sang tận đường Phan Châu Trinh (Phan Châu Trinh và Hoàng Diệu là 2 đường song song nhau) để bắt xe buýt, khi về cũng một lộ trình như vậy.Cùng có quan điểm như chị Phương, một nhân viên đang công tác tại Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, tôi ở cách cơ quan hơn 10km, khi có tuyến xe buýt thời gian đầu có ý định không dùng xe máy đi làm nữa. Nhưng sau một tuần đi thử xe buýt thấy bất tiện quá nên giờ không đi nữa.
Người này lý giải, điểm đón xe từ nhà đi làm rất tiện lợi chỉ phải đi bộ vài trăm mét, nhưng khi đến gần cơ quan thì xe không có điểm xuống trên đường Nguyễn Chí Thanh mà phải xuống ở điểm Bạch Đằng cách cơ quan gần 1km. Như vậy, buổi sáng đi làm xuống xe phải đi bộ quãng đường xa để tới cơ quan và buổi chiều về lại phải đi bộ ra điểm đón nên đã không sử dụng xe buýt công cộng.
Từ đầu tháng 12/2016, TP Đà Nẵng đã cho khai thác các tuyến xe buýt nhanh trong nội thành, toàn bộ xe hoạt động đều được doanh nghiệp đầu tư mới hiện đại, TP cũng hỗ trợ điều kiện về đất đai để xây dựng bãi xe.
Ông Trần Dân - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng khẳng định, những bất cập về lịch trình là nguyên nhân chính dẫn đến việc các tuyến xe buýt nội đô luôn trong tình trạng vắng khách. Rất nhiều người có nhu cầu đi xe buýt, nhưng sau khi xuống xe mà phải đi bộ một quãng đường dài để đến chỗ làm việc là điều bất hợp lý, nếu phải đi bộ vài trăm mét thì được còn xa như vậy thì không ai muốn đi xe buýt.
Người dân không hứng thú với xe buýt?
Mới đây, TP Đà Nẵng đã đưa vào vận hành thêm tuyến xe buýt nhanh TMF thuộc dự án “Cải thiện hành lang giao thông đô thị TP Đà Nẵng” do quỹ Toyota Mobility Foundation (quỹ TMF) tài trợ. Dự án cũng thực hiện thí điểm miễn phí vé trong 1 năm tại Trung tâm TP và bán đảo Sơn Trà và miễn phí gửi xe tại bãi đỗ xe P&R Bùi Dương Lịch nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sau hơn một tháng đi vào hoạt động thí điểm tình hình cũng không có nhiều khả quan. Anh Võ Thành Nhân - Phụ trách điều phối xe dự án TMF cho biết, trong 1 tháng vừa qua lượng hành khách tính bình quân khoảng 5,5 lượt khách/tuyến.Nhưng có một thực tế là bên cạnh vấn đề nghịch lý về lộ trình thì tâm lý của đa số người dân Đà Nẵng chưa hứng thú với việc sử dụng dịch vụ vận tải xe buýt cộng cộng. Chị Ngọc Thúy là cán bộ làm việc tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng chia sẻ, mình có con nhỏ đang theo học trường mầm non gần bãi xe buýt Xuân Diệu, hiện nay đã có tuyến xe buýt chạy qua Trần Phú đến Xuân Diệu nhưng mình không đi xe buýt, vì khi đón con thì phải kết hợp đi chợ mua đồ về nấu ăn nên lựa chọn đi xe máy cho tiện.Nhiều chuyên gia cho rằng, việc người dân Đà Nẵng đang có tâm lý chưa thích sử dụng xe buýt là có thực. Lý giải về điều này, ông Trần Viết Hòe - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, hiện tại những áp lực về giao thông tại Đà Nẵng chưa nhiều như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; bên cạnh đó về quãng đường di chuyển trong trung tâm TP cũng không quá xa, nên đa phần người dân vẫn chọn phương án sử dụng xe cá nhân.
Cần giải pháp vận hành hợp lýMục tiêu của TP Đà Nẵng khi đưa vào vận hành các tuyến xe buýt nhanh nhằm giảm tải những áp lực về giao thông do việc sử dụng các phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông của người dân trên địa bàn ngày càng tăng. Nhưng trên thực tế, mục tiêu này vẫn chưa đúng với kỳ vọng đặt ra.Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng Trần Dân cho biết, việc sử dụng xe buýt công cộng là thể hiện sự văn minh khi tham gia giao thông và góp phần tích cực trong việc giải quyết vấn đề về ách tắc giao thông. Nhưng TP phải bắt tay vào thực hiện quyết liệt vấn đề cấm các phương tiện cá nhân hoạt động tại khu vực trung tâm, để người dân quen dần với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.Theo ông Trần Dân, các Sở ngành liên quan cùng với các đơn vị khai thác vận hành tuyến xe buýt nhanh cần phải sắp xếp lại lịch trình hoạt động, tăng cường thêm các điểm dừng đón khách ở những khu vực đông dân cư, cơ quan, doanh nghiệp.Ngoài ra, TP cũng chỉ nên cho phép chủng loại xe dưới 30 chỗ vận hành trên các tuyến đường lớn để thuận tiện trong quá trình di chuyển và giảm diện tích tham gia giao thông của xe buýt. Bên cạnh đó cũng phải bố trí hệ thống xe buýt loại nhỏ sử dụng nhiên liệu sinh học hoặc năng lượng điện đi vào các cung đường phụ, để người dân không phải mất nhiều thời gian đi bộ đến điểm đón xe.