70 năm giải phóng Thủ đô

Xe chạy trước bình minh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cô bồng con lên xe, dặn vào trong nếu ba chưa đón kịp thì ngồi yên một chỗ, đừng đi lại lung tung. Năm tuổi, con bé tự đi xe khách một quãng đường bảy chục cây số.

Xe chạy một tuyến thẳng, chỉ hơn tiếng đồng hồ là đến, không lo lắm. Nó chỉ việc ngồi yên trên xe thôi.

Hai tỉnh miền Trung cận kề nhau. Anh ở tỉnh phía trong, cô ở tỉnh phía ngoài. Trước kia là hai đầu nỗi nhớ, bây giờ thành hai đầu cách trở vì một tờ giấy ly hôn. Tòa sau mấy lần hòa giải không thành đành chấp nhận cho ai đi đường nấy. Bé con về ở với mẹ theo nguyện vọng của đôi bên. Một giao kèo hiểu ngầm đặt ra: Cuối tuần, bé con được cho vào thăm nội một lần để đỡ nhớ. Nói cho đúng là để cho nhà nội đỡ nhớ cháu, chứ bé con mới năm tuổi đã có mẹ ở bên, nó chả buồn nhớ nhà nội.
Xe chạy trước bình minh - Ảnh 1
Lần nào lên xe, con bé cũng bảo, mẹ ơi mẹ đi cùng con luôn. Cô rưng rưng muốn khóc. Hồi chưa cưới nhau, những chuyến xe với cô luôn hấp dẫn, hồi hộp. Lúc cô là người đi đón anh ra nhà chơi. Lúc khác chính cô lại là hành khách. Bây giờ thì khác rồi. Hai cái bến xe ở hai đầu tuyến chia đôi cho hai người. Mỗi người mỗi bến. Chỉ bé con làm hành khách. Một quả lắc nhỏ nhắn đưa qua chuyển về đều đặn cuối tuần.

Mẹ ơi mẹ đi cùng con luôn. Lời bé con xót xa. Như mời mọc rủ rê. Như cầu xin van nài. Cô thoáng nghĩ, giá mà có thể, thì cô cũng đi chứ sợ gì. Và khi nghĩ như thế, cô biết mình còn tình cảm với anh. Người ta bảo hết tình còn nghĩa. Cô thì tình chưa hết, nghĩa còn đầy. Cô đâu có chủ động ly hôn. Anh cũng không chủ động chia tay. Cái lý do đưa nhau ra tòa lãng xẹt. Thầy bói phán tuổi không hợp, còn ở với nhau thì tai họa lớn. Chết trẻ một trong hai. Không ai bắt phải đưa nhau đi coi bói. Chỉ là tình cờ nghe bạn bè bảo có ông thầy dưới mạn biển coi hay. Thế là chồng chở vợ đi coi. Đã không tin thì đừng đi coi bói, đã coi bói không thể không tin. Phán kinh như thế thì dù không tin cũng bị ám ảnh. Mê tín như một con đường cụt, nó dẫn con người ta đi từ chỗ sáng tới chỗ tận cùng tăm tối.

Anh lơ xe trạc tuổi cô, mỉm cười chào hai mẹ con. Cái nụ cười của chàng trai ba mươi lộ hàm răng trắng đều. Cô nghĩ, lơ xe mà như thư sinh. Cô từng gặp những gã lơ xe mặt lúc nào cũng bặm trợn, miệng phì phèo thuốc lá, răng vàng khè. Và chỉ lần đầu tiên đưa con lên xe, cô đã thấy an tâm khi cho con đi nhà xe này.

Vài lần sau thì anh lơ thành ra người quen của cô. Anh chưa vợ, cô thì không chồng, kể ra cũng như những người trẻ có thể kết bạn với nhau. Nhưng cô đã dặn lòng mình không thèm đến đàn ông nữa. Chính xác là cô không muốn dính dáng tới một người đàn ông nào nữa. Lấy chồng thêm lần nữa giống một sự chắp vá. Lấy chồng thêm lần nữa thì bé con sẽ bị thiệt thòi. Bữa bước ra khỏi tòa, cô đã quyết định sẽ ở vậy nuôi con.

Đang mùa hè nóng nực, bỗng một sáng trời trở lạnh se se. Thời tiết bây giờ khó biết quá. Mới tháng tư đã nghe bên Philippines có bão. Đêm qua, chồng cũ gọi điện ra bảo sáng mai là cuối tuần rồi, cho con vào với anh.

Cô ngần ngại, trời lạnh đi ra ngoài, con bé dễ nhiễm cảm lắm.

“Nó giống anh mà” - chồng cũ đáp.

Đối thoại ngắn cũn chừng ấy nhưng cô xao xuyến. Cái chứng bệnh xoang của anh, cô biết rõ, trở trời là đầu nhức, nhẹ thì sổ mũi. Nó giống anh - câu nói của chồng cũ nghe có chút tội nghiệp. Cứ như sợi dây huyết thống kéo chùng sợi dây phu thê. Cảm giác gần gũi như những ngày còn hạnh phúc trong căn nhà bình yên. Chợt, cô thấy thương anh. Nhớ hồi nào những buổi chiều, cô đi tìm cỏ nhọ nồi với cây vòi voi đem về giã nát, chắt nước cốt nhỏ vào mũi. Có lần cô ngược lên miền núi mua con rắn lục về phơi khô đốt ngửi. Có bệnh vái tứ phương, ai bảo gì cô cũng nghe. Xứ này thời tiết không thuận, bệnh xoang phân nửa dân số mắc phải. Cô thương chồng, lo cho chồng thì đôn đáo ngược xuôi. Bây giờ cô hết phải lo. Hay là chỉ lo thêm. Thương yêu thì dai dẳng.

Đúng cái sáng se lạnh hôm nay, khi mà cô đang nghĩ về chồng cũ và chứng bệnh trở trời của anh, cô bỗng nhận ra cái anh lơ xe dễ thương hơn bao giờ hết. Khi cô đưa bé con tới nhà xe, anh lơ đã chuẩn bị sẵn cái khẩu trang cỡ nhỏ màu hồng chấm bi trắng, loại dành cho trẻ con. Anh lơ nhảy xuống xe, đưa cái khẩu trang cho cô, nói vẻ như không vừa ý lắm: “Trời lạnh, em đưa con về đi”.

Cái giọng nói cũng nhẹ nhàng quá. Mấy lâu nay cô chưa được nghe tiếng anh chàng. Những lần trước chỉ mình cô nói câu gửi gắm, nhờ anh coi hộ con bé. Rồi cô nhận được một cái gật đầu đầy tin tưởng, sau đó là ánh mắt anh nhìn theo cô đăm đăm. Sáng nay thì anh đã chịu nói. Một câu thôi mà cô thấy hơi lạnh đã len tới tận sống lưng. Thì ra cả năm nay cô chưa được nghe một câu nào đầy vẻ lo lắng như thế dành cho hai mẹ con. Tuy thỉnh thoảng, có vài gã đàn ông tán tỉnh qua điện thoại, những câu đường mật nghe muốn ói.

Anh lơ xe đúng như cô nhận định, là một người có ăn học hẳn hoi. Đang là kỹ sư ở nhà máy, đùng một cái nhà máy đóng cửa, anh theo xe của bạn làm lơ một thời gian cho vui. Lâu nay anh chú tâm học hành, rồi đóng mình trong nhà máy, giờ muốn được tự do đi ra ngoài, lăn lộn với người ta cho biết chuyện đời.

Giữa lúc cô nhớ thương chồng cũ thì anh lơ xe đến. Không vồn vã ồn ào. Không cưng chìu ton hót. Anh điềm đạm và biết quan tâm đến mẹ con cô. Mảnh vườn cả năm nay bỏ hoang, anh ra sức dọn dẹp khai quang một ngày. Lại dành ra một ngày cuốc xới rồi đi tìm mua mấy giống cây ăn trái đem về trồng. Anh bảo, để mai mốt cho con trèo hái mỗi ngày. Nghe như là câu hát.

Cô tủm tỉm cười, nghĩ cái anh chàng này cũng khéo đùa. Nhưng mà con nào mới được, là bé con của cô, hay là… con của cô với anh lơ. Nghĩ rồi cô thấy mình vô duyên. Người ta thích nói gì thì nói. Người khôn ăn nói nửa chừng. Bóng gió cỡ đó là hiểu ý rồi.

Khu vườn nhà cô thoáng đãng hẳn. Có bàn tay đàn ông, căn nhà như có sức sống. Cô cũng tươi tỉnh hẳn ra. Hai má thỉnh thoảng đỏ nhừ khi liếc nhìn anh lơ cởi áo cho ráo mồ hôi lúc nghỉ uống nước. Bạn bè nói với cô, cái anh chàng ấy được đấy, coi cũng là người tử tế, chỉ mỗi tội không được đẹp trai như chồng trước. Nhưng đẹp trai không mài ra ăn được. Đẹp quá càng mong manh dễ mất. Hoàn cảnh như cô, ăn chắc mặc bền là tốt rồi.

Anh lơ xe thỉnh thoảng qua lại nhà cô, làm giúp mẹ con cô mấy việc nhà. Sửa mái ngói, bưng chậu cây, trát lại chỗ sân bê tông. Những việc này là của đàn ông. Nếu không có anh chắc cô cũng bỏ bê luôn, chẳng dám thuê thợ đến sửa. Ai ở mà lo cho lắm.

Dần dà, cô nhận ra mình có cảm tình với anh lơ xe. Dù lúc nào cô cũng bảo anh đừng đến đây nữa, xóm làng người ta đồn đại khó sống. Anh cười bảo miệng ai nói tai người ấy nghe, bận tâm gì tiếng đời cho nhọc, không ai sống thay người khác được. Kiểu nói của anh cứ như người từng trải, toàn những câu già đời triết lý.

Có nên mở lòng ra với anh chàng này không nhỉ. Dễ không thương mình mà người ta tốt với mình như thế. Đôi khi cô cũng lung lay. Cầm cái dây gầu múc nước giếng thấy nó chao đảo, như lòng.

Lại thêm một cuối tuần trở mưa lạnh. Trời kiểu này chắc chỉ vài năm nữa, có khi Tết mắc mưa lũ cũng nên. Tối thứ Sáu không thấy chồng cũ gọi điện ra bảo ngày mai cho bé con vào thăm nội. Có khi chồng cũ nghĩ chuyện ấy đã thành thường lệ nên không cần gọi cũng nên.

Đêm đó cô thức trắng. Miên man những suy nghĩ vớ vẩn về hai người đàn ông, một là chồng cũ, một là cái anh lơ xe. Hồi mới tuổi yêu, cô từng có những đêm suy nghĩ về đàn ông. So sánh. Cân đong. Chọn lựa. Giữa những người có tình ý với cô, cuối cùng cô cũng chỉ lấy một làm chồng. Chọn cho lắm rồi giờ cũng ly tan. Bây giờ thì khác, cô không có ý nghĩ so sánh chọn lựa. Cô chỉ thử đặt mình vào hai giả định. Thứ nhất, cô sẽ quay lại với chồng cũ, mọi chuyện trở lại như xưa. Cái này khó đây, vì bên nhà anh khá nặng nề chuyện bói toán. Nói trắng ra là mê tín xưa nay. Thứ hai, cô nhận lời với anh lơ cho xong chuyện.

Nghĩ mãi cô vẫn chưa biết giải quyết thế nào. Ngoài trời đã sáng. Tối qua đến giờ, cô chưa thấy chồng cũ gọi điện ra. Cô đành miễn cưỡng gọi vào. Đầu kia mất tín hiệu. Cô lại bấm số gọi cho mẹ chồng cũ. Bà bảo anh đi đâu ba hôm rồi không về nhà, cũng chẳng thấy nhắn nhủ với ai điều gì cả. Bà có liên lạc với mấy chỗ bạn bè quen thân nhưng họ đều không biết. Rồi bà bình tĩnh nói, thôi kệ, mai con cứ cho cháu vào đây chơi với bà. Trước khi ngắt điện thoại, bà lưỡng lự một lúc, lại nói hay là con cũng vào đây chơi luôn. Hơn một năm rồi, mẹ không gặp con.

Cô đưa bé con đến nhà xe. Dọc đường cứ lần khần không biết chuyến này có nên theo bé con vào trong đó. Mấy lần trước, anh lơ cứ khuyên cô nên đi cùng, đừng để con đi một mình tội nghiệp. Nhưng giờ cô nhảy lên xe, liệu có làm buồn lòng anh lơ không đây.

Gặp mẹ con cô, anh lơ mỉm cười, lại hỏi cái câu cũ rích: Em đi với con luôn chứ? Tự dưng cô thấy chưng hửng, lúng túng và khó xử. Anh đang tỏ ra cao thượng và bao dung. Hay anh đang thử cô.

Cô bồng bé con đứng ở bến hồi lâu. Khách lên xe đã kín chỗ. Sắp đến giờ phải xuất bến.

Đoạn cô bồng bé con quay trở về. Không đi nữa.

Cô nghĩ có lẽ sẽ phải chọn một nhà xe khác, đi một chuyến xe khác sớm hơn. Chuyến xe chạy trước bình minh. Để có thể khóc ngon lành mà không sợ người khác thấy.