70 năm giải phóng Thủ đô

Xe đạp công cộng: Thay đổi văn hóa tham gia giao thông

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đi xe đạp trong đô thị trở thành một xu hướng, trào lưu lớn ở nhiều nước phát triển. Tại Hà Nội, thời gian qua, phương tiện “xưa cũ” ấy trở thành xu hướng phát triển mạnh, hướng tới lối sống khỏe mạnh, thân thiện và văn minh.

Thay đổi thói quen

Vào những buổi sáng sớm, đặc biệt ngày cuối tuần, ở các tuyến phố trung tâm Thủ đô, dòng người đi xe đạp khá tấp nập. Khởi đầu từ nhu cầu thể dục thể thao, dạo chơi, đến nay, nhiều người đã chọn xe đạp làm phương tiện đi đi lại thường xuyên.

Người dân đi xe đạp tập thể dục, dạo chơi trên đường phố Hà Nội.
Người dân đi xe đạp tập thể dục, dạo chơi trên đường phố Hà Nội.

Nhưng đi xe đạp sao cho đúng, cho văn minh không phải ai cũng làm được. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều người đi xe đạp lại dàn hàng, “rồng rắn” cản trở các phương tiện khác, ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi vào đường một chiều... gây ra nhiều phiền toái cho người khác, tạo nên góc nhìn thiếu thiện cảm của cộng đồng xã hội về văn hoá giao thông.

Để xe đạp không trở nên “xấu xí”, gây phản cảm như thời gian vừa qua, chính quyền TP đã có những giải pháp đưa giao thông xe đạp vào quy hoạch như một số quốc gia. Cụ thể, vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng tại 79 điểm, trên quận nội thành.

Người dân Thủ đô sử dụng dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng. Ảnh: Lại Tấn.
Người dân Thủ đô sử dụng dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng. Ảnh: Lại Tấn.

Với kiểu dáng rất trẻ trung, thời trang, bắt mắt, hình ảnh xe đạp công cộng len lỏi trên khắp đường phố Thủ đô đang được người dân Hà Nội hào hứng đón nhận.

Chị Phạm Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự là một trải nghiệm rất thú vị vì với những chiếc xe đạp điện công nghệ số, người dân có thể trả xe ở điểm trạm bất kỳ sau khi sử dụng và ngay cả khi số tiền thực có trong tài khoản không còn đủ, bạn vẫn có thể tiếp tục đi chuyển bằng xe đạp điện công cộng”.

TP Hà Nội hi vọng việc phát triển dịch vụ xe đạp công cộng sẽ hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như đường sắt đô thị, xe buýt... Điều này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt, xe điện một cách thuận tiện.

Duy trì nếp sông văn minh, hiện đại

Cách Thủ đô hơn 9.600km, Hà Lan được ví như một “Vương quốc xe đạp”, bởi đất nước hơn 17 triệu dân này đang sở hữu cho riêng mình tới hơn 20 triệu chiếc xe đạp, 35.000km đường dành riêng cho những người đi xe đạp.

Trong cuốn sách, “Xây dựng thành phố xe đạp: Kế hoạch chi tiết về sức sống đô thị của Hà Lan”, ông Chris Bruntlett chia sẻ: “Chưa đến 0,5% người Hà Lan đội mũ bảo hiểm, tức là cứ 200 người thì có một người đội mũ bảo hiểm. Hầu như tất cả mọi người, từ trẻ em đến người già đều không cần phải dùng tới mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm không hiện diện trong văn hóa giao thông của người Hà Lan, bởi vì họ đã cùng chính phủ nỗ lực xây dựng văn hóa đi xe đạp hằng ngày và xây dựng những con đường an toàn”.

Trong 7 ngày vận hành thử nghiệm  (từ 16-22/8), khách hàng đã thực hiện hơn 7.000 chuyến đi. Ảnh: Lại Tấn.
Trong 7 ngày vận hành thử nghiệm  (từ 16-22/8), khách hàng đã thực hiện hơn 7.000 chuyến đi. Ảnh: Lại Tấn.

Để cho thấy sự phát triển hệ thống kết nối xe đạp công cộng, ông Chris Bruntlett đã chỉ rõ, từ thành phố Arnhem đến thành phố Nijmegen dài khoảng 14-15 km. Người đi xe đạp sẽ không phải đặt chân xuống đất trong toàn bộ chuyến đi, việc di chuyển sẽ diễn ra liên tục mà không gặp bất cứ cản trở nào.

Sau 10 ngày đi vào hoạt động (26/8 – 4/9), dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn TP Hà Nội có 36.000 tài khoản mở mới; 25.208 chuyến xe đạp công cộng được vận hành với 163.600 km, tổng số giờ thuê là 25.649 giờ. Chỉ tính riêng 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 có 11.000 tài khoản đăng ký sử dụng được mở mới; 8.068 chuyến đi được thực hiện với 53.232km với 8.885 giờ thuê. Theo các chuyên gia, xe đạp công cộng mới được đưa vào vận hành nhưng đã có hàng vạn tài khoản đăng ký cho thấy loại hình này đã rất nhanh chóng thu hút được người dân Hà Nội. Về lâu dài người dân không chỉ sử dụng loại hình xe đạp này để đi chơi dịp lễ mà còn sẽ sử dụng làm phương tiện đi lại hàng ngày.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, từ việc người dân hồ hởi đón nhận dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, các cơ quan chức năng cần có một chiến lược xa hơn trong phát triển xe đạp như một phương tiện “xanh”. Các cơ quan công chính và DN tại Hà Nội cần đi đầu trong phong trào hạn chế sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng xăng, dầu, chuyển sang sử dụng xe đạp, xe buýt sạch, tàu điện, xe máy, ô tô điện.

Xét theo xu hướng thế giới, việc Hà Nội phát triển xe đạp là tất yếu để hướng tới phát triển Thủ đô theo hướng văn minh không ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảm giác thanh bình, thân thiện cho đường phố.

 

Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại lễ khai trương dịch vụ xe đạp điện – xe đạp công cộng tại TP Hà Nội