Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Xe dù, bến cóc vẫn tồn tại vì các địa phương không làm quyết liệt

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là câu trả lời của ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tại cuộc họp chiều 22/12, do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm thông tin một số mặt của đời sống trên địa bàn.

Xe dù, bến cóc tồn tại do kiểm tra không thường xuyên

Nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động giao thông trên địa bàn TP được ông Bùi Hòa An trả lời, như: Từ khi dời bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh sang bến xe Miền Đông mới ở TP Thủ Đức, hàng loạt nhà xe bỏ tuyến, không vào bến. Bên cạnh đó là tình trạng xe dù, bến cóc ngày càng phát triển mạnh, núp bóng danh nghĩa xe hợp đồng, xe đón trả khách khắp nơi trong nội thành.

Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết xe dù, bến cóc tồn tại do địa phương không quyết liệt, kiểm tra không thường xuyên.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết xe dù, bến cóc tồn tại do địa phương không quyết liệt, kiểm tra không thường xuyên.

Theo ông Bùi Hòa An, trên địa bàn TP hiện có 1.127 đơn vị vận chuyển hành khách theo hợp đồng và du lịch (866 doanh nghiệp, 249 hợp tác xã, 12 hộ kinh doanh), với tổng 94.144 phương tiện các loại.

Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, đón trả khách tại các bến bãi, trước và trong khuôn viên trụ sở văn phòng, trong khuôn viên cây xăng (dư luận thường gọi là “xe dù, bến cóc”), loại hình này thực hiện theo hợp đồng vận tải, là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng, khi vận chuyển hành khách thì lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển hành khách, danh sách hành khách (theo mẫu) và cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải chuyển đến Sở GTVT bằng văn bản hoặc thư điện tử (eMail) trước khi vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình vận chuyển, họ đã “thu gom” từng hành khách lẻ, tương tự như hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe, gây mất trật tự an toàn giao thông và không đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong huy động vận tải hành khách. 

Đặc biệt là loại xe khách giường nằm lưu thông vào sâu trong khu vực trung tâm TP để đón, trả khách sai quy định (các địa bàn thuộc quận 5, 10, Tân Phú, Tân Bình và trên các tuyến đường như: Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Nguyễn Duy Dương…).

“Để xử lý vấn đề nêu này, Thành ủy - UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện quyết liệt và thường xuyên trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông trong vận tải hành khách. Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện. Tuy nhiên, tình trạng xe đón trả khách không đúng nơi quy định vẫn tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý tại một số địa phương chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Tình trạng xe hợp đồng và du lịch đón trả khách không đúng quy định chỉ giảm khi có tổ chức kiểm tra” - ông Bùi Hòa An nói.

Thu hồi hàng nghìn phù hiệu, phạt hơn 2,5 tỷ đồng

Cũng theo ông Bùi Hòa An, qua kiểm tra từ đầu năm 2022 đến nay, ngành GTVT đã phát hiện, lập biên bản 1.764 trường hợp vi phạm, xử phạt 2.530.200.000 đồng; tước quyền sử dụng phù hiệu 2 tháng đối với chủ 47 phương tiện đã sử dụng kỹ thuật làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình.

Qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, năm 2022 Sở GTVT cũng đã có quyết định thu hồi 7.193 phù hiệu, biển hiệu vì xe vi phạm tốc độ 5 lần trong 1 tháng, theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của 136 trường hợp.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND TP ban kế hoạch số 4857/KH- UBND ngày 15/12/2022 về tăng cường đảm bảo hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/2/2023. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị có liên quan tổng kiểm tra đồng bộ và quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng xe khách đón trả khách không đúng nơi quy định,  đặc biệt trong thời gian Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.

Ngoài ra, để xử lý triệt để tình trạng trên, Sở GTVT cũng đã tham mưu UBND TP ban hành công văn số 4771/UBND-ĐT ngày 7/12/2022 kiến nghị Bộ GTVT về một số vướng mắc trong công tác kiểm tra, xử lý tình trạng xe hợp đồng và du lịch đón trả khách không đúng quy định.

Liên quan đến việc hạn chế xe ô tô chở khách vào khu vực trung tâm TP, cũng theo ông Bùi Hòa An, Sở GTVT đã xây dựng phương án và họp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của TP nói chung và hoạt động vận chuyển hành khách nói riêng. Việc hạn chế xe ô tô khách trên 30 chỗ lưu thông vào khu vực trung tâm TP trong giai đoạn hiện nay là chưa khả thi. Vì vậy, các đơn vị vận tải hành khách đã đề nghị Sở GTVT nghiên cứu đề xuất phương án và Sở GTVT đã lấy ý kiến của Sở Tư pháp và đang rà soát, hoàn chỉnh để báo cáo UBND TP cho chủ trương hạn chế xe ô tô khách có giường nằm hoạt động vào khu vực nội thành vào tháng 12/2022. Sau khi UBND TP chấp thuận, Sở GTVT sẽ tổ chức thực hiện trước Tết Nguyên đán và điều chỉnh, bổ sung qua quá trình triển khai cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Chở khách miễn phí đến bến xe Miền Đông mới

Về tình trạng bến xe Miền Đông mới vắng khách, trong bến không có nhiều dịch vụ phục vụ hành khách…, theo ông Bùi Hòa An, bến xe mới do Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) làm chủ đầu tư thực hiện dự án và quản lý khai thác các tuyến cố định từ TP Hồ Chí Minh đến, đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 lượt hành khách, với 1.200 lượt xe xuất bến. Ngày cao điểm lễ, Tết lên tới 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến. Hiện nay nhà ga trung tâm có 4 tầng trên mặt đất và 2 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng 49.680m2, gồm: nhà ga hành khách, văn phòng làm việc, các dịch vụ hỗ trợ hành khách và nhân viên, căng tin…; bãi đón trả khách và đậu xe liên tỉnh;  tầng trệt có bãi đón khách và bãi đậu xe chờ tài; hầm 1 có khu trả khách và bãi đậu xe chờ tài…

“Trên cơ sở đề nghị của SAMCO, Sở GTVT đã báo cáo Bộ GTVT di dời các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại bến xe Miền Đông cũ (292 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) sang bến xe Miền Đông mới (số 501 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, TP Thủ Đức). Hiện Sở GTVT đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động của bến xe Miền Đông mới, như triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự hoạt động vận tải trên địa bàn. Phối hợp tổ chức vận chuyển khách miễn phí đến bến xe miền Đông mới bằng xe của Công ty Phương Trang ( loại 7-29 chỗ ngồi) trong phạm vi TP trừ huyện Cần Giờ, thời gian thực hiện từ ngày 1/12/2022 đến 30/6/2023. Tổ chức 9 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp đến bến xe mới là tuyến số 55, 56, 76 và 93” - ông Bùi Hòa An cho biết.