Xe “dù” sẽ hết đất diễn?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước vấn nạn xe "dù” vẫn đang nhức nhối tại nhiều địa phương, đặc biệt là các TP lớn, những quy định mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý nghiêm ngặt để kiểm soát.

Nhiều điểm mới trong quản lý xe hợp đồng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã có nhiều điểm tiến bộ, tích cực so với Nghị định cũ. Đặc biệt là đổi mới về tư duy và cách thức quản lý Nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã được cải thiện.
Xe limousine chờ khách tại khu vực Công viên Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Chiến Công
Cụ thể, dự thảo Nghị định mới đã bỏ hoặc sửa chữa một số quy định trước đó vốn vẫn được đánh giá là không còn phù hợp và sẽ trói buộc DN như: Quy định về quy mô số lượng xe tối thiểu, niên hạn 12 năm cho xe taxi; quy định về người điều hành vận tải cũng đã được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, việc bỏ một số thành phần trong hồ sơ cấp giấy phép, bỏ các quy định đối với DN, hợp tác xã về việc phải ký kết hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT hoặc bỏ quy định về cơ quan quản lý tuyến lựa chọn đơn vị khai thác trong dự thảo Nghị định mới cũng được đánh giá cao.

Trong buổi sơ kết 15 ngày thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội về công tác xử lý xe khách trong quý I/2018, Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng PC67, CATP Hà Nội đưa ra kiến nghị cần nhanh chóng ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP để tạo ra căn cứ pháp lý cho lực lượng chức năng xử lý nghiêm những trường hợp xe khách, đặc biệt là xe trá hình, xe hợp đồng để chạy tuyến cố định vi phạm. Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, việc xử lý các xe khách hợp đồng trá hình hiện nay vô cùng khó khăn bởi sự lách luật của các nhà xe cũng như chế tài xử lý đối với loại hình vận tải này còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhận định, dự thảo Nghị định mới đã nhấn mạnh hơn đến các nội dung liên quan đến xe hợp đồng, với việc bổ sung một số nội dung để DN kinh doanh vận tải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải, từ đó sẽ giúp công tác quản lý của DN được tốt hơn. “Đặc biệt là vấn đề quản lý thuế, bảo hiểm đối với xe hợp đồng đã được cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa vào dự thảo nhằm hình thành khung chính sách chung, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh nộp thuế” - ông Thủy phân tích.

Siết quản lý xe hợp đồng trá hình

Một trong những điểm đáng chú ý và nhận được sự kỳ vọng lớn trong dự thảo Nghị định mới là việc bổ sung những điều kiện để đưa hoạt động kinh doanh xe hợp đồng và xe du lịch vào khuôn khổ. Điều đó có nghĩa, với những quy định mới này, vấn nạn xe hợp đồng trá hình, hay còn gọi là xe “dù” vốn đang gây nhức nhối ở nhiều TP lớn hiện nay sẽ hết “đất diễn”. Có thể kể đến quy định cho phép sử dụng hợp đồng điện tử đối với một số loại hình vận tải hành khách; trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông tin liên quan đến chuyến đi với cơ quan chức năng thông qua phần mềm...

Dự thảo cũng đưa ra những quy định chi tiết như đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính; trụ sở chi nhánh; văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh. Hoặc quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách không được bán vé và thu tiền cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được gom khách lẻ; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức (trừ xe hợp đồng chở học sinh, sinh viên, công nhân viên... đi theo một hành trình lặp đi lặp lại nhưng phải có hợp đồng và danh sách hành khách trong suốt thời gian thuê xe).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ sau hai năm đi vào thực hiện về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Sự ra đời của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 kỳ vọng sẽ lấp đầy được những bất cập đó. Đặc biệt là những lỗ hổng tạo điều kiện cho xe “dù”, bến “cóc” tồn tại, phát triển lâu nay, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần