Xe khách Limousine thách thức dư luận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài phản ánh về tình trạng xe dù, bến cóc đại náo nội đô gây bức xúc trong dư luận.

Bài 1: Thách thức dư luận

Bài 2: Xe dù - bến cóc: Không dễ xử lý?

Bài 3:
Xe dù - bến cóc đại náo nội đô: Phản hồi từ đơn vị quản lý

Báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được nhiều phản ánh của các DN vận tải về việc nhiều xe khách Limousine “núp bóng” xe hợp đồng ngang nhiên đón khách trong khu vực nội đô.

Kẽ hở của luật

Phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị, một số DN vận tải cho rằng, thực chất những chiếc xe khách Limousine (xe khách dưới 10 chỗ ngồi) được quảng cáo là xe VIP, chất lượng cao… đều có nguồn gốc từ các xe trên 10 chỗ sau khi được cải tạo. Đây là mánh khóe nhằm qua mặt lực lượng chức năng của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Xe khách Limousine thách thức dư luận - Ảnh 1
Xe khách Limousine đang trở thành nỗi ám ảnh đối với các xe khách chạy tuyến cố định truyền thống. 
Theo một số DN vận tải, Thông tư số 63/2014 của Bộ GTVT có quy định, khi sử dụng xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 ghế trở lên để thực hiện hợp đồng vận chuyển, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT các thông tin như hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử. Đặc biệt, chủ xe và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành hoán cải, những chiếc xe 12 – 16 chỗ biến thành những chiếc xe dưới 10 chỗ (mặc dù thân, vỏ xe không thay đổi - PV) và thản nhiên di chuyển vào khu vực nội thành, vào các ngõ, ngách để đón trả khách công khai mà không gặp bất cứ sự kiểm tra, nhắc nhở nào của các lực lượng chức năng.

Nhiều tranh cãi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng chục đơn vị tham gia vận tải hành khách bằng xe Limousine, trong đó tập trung vào các tuyến như Quảng Ninh, Lào Cai, Vinh, Hòa Bình… So với các xe khách chạy tuyến cố định, giá cước của loại hình vận tải này thường cao hơn gấp 2, 3 lần so với giá niêm yết. Tuy nhiên bù lại, hành khách không còn bị nhồi nhét và được hưởng các dịch vụ kèm theo như wifi, nước uống… ngay trên xe.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các DN vận tải được phép kinh doanh các loại hình vận tải mà Nhà nước không cấm. Đối với việc hoạt động của xe khách Limousine, ông Bùi Danh Liên cho rằng đây là một xu thế vận tải mới mang nhiều lợi ích đến cho hành khách, xu hướng của tương lai. Việc xuất hiện loại hình vận tải này sẽ buộc các cơ quan Nhà nước và DN vận tải truyền thống phải có sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, theo các DN vận tải tuyến cố định, sự tồn tại của loại hình vận tải sống bằng kẽ hở của pháp luật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoạt động của các DN vận tải, những DN làm ăn chân chính. “Tiếng là xe Limousine chỉ chở 9 người, nhưng giá vé gấp 2, 3 lần giá vé được niêm yết thì DN vẫn lãi to vì không phải nộp các khoản phí nào. Trong khi đó, chúng tôi phải nộp đủ các loại phí, mà không được phép thích dừng chỗ nào là dừng chỗ đó như những chiếc xe này” – một DN vận tải ngán ngẩm cho biết.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà những chiếc xe Limousine đem lại cho hành khách, đặc biệt là trong những ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, suy cho cùng những chiếc xe này không khác gì  xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Do đó, nếu các đơn vị chức năng, đơn vị soạn thảo văn bản, quy định của pháp luật không có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế, thì tình trạng xe dù, bến cóc, ùn tắc ở Thủ đô sẽ không biết đến bao giờ mới được xử lý triệt để.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần