Không ngơi nghỉ
Trong những ngày cận Tết, công việc càng trở nên tất bật hơn với đội ngũ giao hàng, xe ôm công nghệ. Công việc tuy vất vả hơn ngày thường nhưng bù lại họ có một khoản thu nhập nhiều hơn nhằm trang trải cuộc sống.
Mỗi ngày ra bắt đầu ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng, chú Đinh Văn Hải (62 tuổi, quê Hà Tĩnh) làm xe ôm công nghệ chia sẻ, những ngày cận Tết nhu cầu đi lại tăng cao, nên 11 giờ đêm chú mới dừng nhận thêm cuốc. Ăn uống cũng tranh thủ, có lúc mệt quá chỉ có thể ngả lưng ngay trên xe. Tần suất làm việc như vậy kéo dài hơn nửa tháng qua nên số tiền chú kiếm cũng được nhiều hơn để có thể gửi về cho gia đình.
"Cuối năm, nhu cầu đi lại tăng cao, trong khi nhiều tài xế về quê sớm nên ứng dụng tài xế cứ nổ liên tục. Hôm nay cuốc xe đầu tiên của tôi bắt đầu từ 5h15, từ lúc đó đến giờ, không có lúc nào nghỉ ngơi. Vừa nãy định tranh thủ đi vệ sinh rồi chạy tiếp thế nhưng chưa kịp đã nổ cuốc. Cả năm chả mấy khi được thế này nên cố gắng. Mấy ngày này không có sức mà chạy, nhiều khu vực nhu cầu tăng cao giá cước còn tăng gấp đôi, gấp ba lần nên chạy rất sướng" – chú Hải nói.
Anh Lê Công Minh (30 tuổi, Cao Bằng), tài xế công nghệ cho biết thêm, nhu cầu khách đi lại cao điểm từ buổi trưa cho đến tối muộn, đa phần mọi người đặt cuốc để đi Tất niên do sử dụng đến rượu bia nếu đi đường sẽ chịu mức phạt rất cao.
"Nhiều người chia sẻ vì uống rượu bia nhưng vẫn cầm lái bị kiểm tra nồng độ cồn. Bị phạt nặng rồi được lực lượng chức năng nhắc nhở nên giờ có đi đến đâu sử dụng rượu bia cũng đặt xe đi cho an toàn" - anh Minh cho hay.
Còn chú Nguyễn Văn Sinh (40 tuổi, quê Lạng Sơn) chia sẻ, gần sát Tết, nhiều tài xế để có thu nhập cố định, không đi lòng vòng đón khách sẽ tập trung tại các điểm bán đào, quất chờ người mua để vận chuyển thuê. Với công việc thời vụ này, họ có thể kiếm tiền triệu, bằng thu nhập chạy xe ôm cả tháng.
“Mỗi ngày, tôi chạy 7 - 10 chuyến vận chuyển cây cảnh đến từng nhà, có khi hơn. Giá tùy vào mỗi cây to nhỏ hay quãng đường xa gần. Trung bình từ 150.000 - 300.000 đồng/chuyến" – chú Sinh vui vẻ kể.
Người ở lại qua Tết
Trên chuyến đi từ Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) đến Nguyễn Công Thái (quận Hoàng Mai), chú Tạ Thế Trung (55 tuổi, quê Hải Dương) cho biết, trung bình mỗi ngày chạy 35 - 40 cuốc xe, trừ hết chi phí, chiết khấu, thu về hơn 1 triệu đồng. Vừa đi chú vừa khoe, hôm nay mới chạy xe 9 tiếng đã kiếm được gần 1 triệu đồng.
"Cả năm chỉ được mấy ngày sát Tết kiếm được nên tôi cố cày từ sáng tới tối. Làm 10 ngày bằng trước đó làm cả tháng, tôi cố gắng chạy thêm để gửi về nhà cho vợ con được 1 cái Tết đầy đủ” – chú Trung chia sẻ.
Tuy vậy, theo chú Trung để kiếm được mức thu nhập như vậy, anh em tài xế phải "bám đường" liên tục, công việc vất vả và nguy hiểm hơn ngày thường rất nhiều. Di chuyển nhiều giờ liên tục trên đường cũng khiến người ê ẩm, mệt mỏi. Phương tiện lưu thông trên đường dịp Tết đông nên chỉ lơ là một chút có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Chưa kể nhiều tài xế chạy ẩu để kiếm đơn mới chẳng may làm rơi vỡ đồ đạc ship cho khách thì tiền đền bù thiệt hại có khi bằng cả tháng đi làm.
Chú Trung chia sẻ thêm, Tết sẽ không về quê mà quyết định ở lại Hà Nội chạy xe ôm công nghệ, vì nếu tập trung "cày" dịp này có thể kiếm được khoản tiền kha khá.
“Thời điểm Tết mọi người có nhu cầu di chuyển nhiều hơn so với ngày thường. Vì vậy, có những ngày Tết, tôi chở được số cuốc xe nhiều hơn gấp 3 lần ngày bình thường” – chú Trung nói.
Trong khi đó, khác với mọi năm cùng bạn bè hối hả dọn đồ đạc về quê. Em Nguyễn Hoàng (Hải Dương), vừa tốt nghiệp Đại học Kinh doanh Công nghệ chia sẻ, năm nay em lựa chọn ở lại đón Tết. Chạy xe ôm từ lúc năm 2 đến nay, những ngày Tết sẽ cho em thêm nguồn thu nhập nhỉnh hơn so với ngày thường.
"Ngày trước nghe tin em không về mà ở lại Thủ đô, bố mẹ mắng, nhưng mà em cũng quyết tâm ở lại nên rồi mọi người đành đồng ý. Tết thì giá cuốc cao, em thường đi xe quanh phố cổ vừa ngắm nhìn đường phố mà khu vực đó cũng nhu cầu lớn" - em Hoàng cho hay.