Tiếng chuông báo động
Theo đại diện Vụ An toàn Giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), từ tháng 4/2014 - 8/2016, khi liên Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%. Tuy nhiên, từ năm 2017, khi kết thúc kế hoạch phối hợp liên ngành, xe quá tải bắt đầu tái diễn, xuất hiện nhiều trên các đoạn quốc lộ, đường tỉnh, một số đoạn đường cao tốc, khu vực có công trình xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản.
Xe quá tải bùng phát trở lại nhức nhối và mức độ vi phạm chở quá tải càng nghiêm trọng. Điều nguy hiểm hơn, trong những năm gần đây, đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều vụ tai nạn chết người do chính những chiếc xe chở quá tải, cơi nới thành, thùng gây ra. Vụ tai nạn mới xảy ra ở Hòa Bình là một ví dụ điển hình.
Vào lúc 15 giờ 45 phút ngày 4/6/2022, tại Km472+960 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xóm Hợp Lý, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa ô tô tải mang BKS 29H - 770.16 chở đất sau khi va chạm với máy xúc đã lật ngang, đè lên ô tô con BKS 30A - 615.85. Vụ tai nạn khiến 3 người trên ô tô con tử vong tại chỗ, 1 người bị thương được đưa đi cấp cứu.
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, chiếc xe tải gây ra vụ tai nạn thảm khốc này đã được chủ xe cơi nới thùng xe thêm 28cm chiều dài và 1,13m chiều cao, tức là cao hơn 2 lần so với kích thước được phép lưu hành. Với kích thước cơi nới, thùng xe này có thể tích hơn 28,97m3, vượt hơn 18,21m3 so với thể tích 10,76m3 theo thông số kích thước thùng xe trong chứng nhận kiểm định.
Lực lượng chức năng cần trang bị công nghệ mới để thuận lợi hơn trong việc xác định tải trọng xe. Công nghệ mới có thể thực hiện việc cân trong khi xe đang lưu thông, tức là không cần dừng xe lại mà vẫn có thể biết được chiếc xe đó có tải trọng bao nhiêu. Kỹ thuật này đã được phát triển và kiểm chứng ở nhiều nơi. Nếu chúng ta đưa vào áp dụng thì việc tài xế biết trước để né vị trí trạm cân cũng khó có thể xảy ra.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra những vụ tai nạn chết người mà “thủ phạm” chính là những chiếc xe quá tải. Cách đây hai năm, vào ngày 4/6/2020, tại Km 17+800, nút giao cắt ngã 4 trên tuyến đường Nghi Sơn - Sao Vàng (thuộc địa phận thôn 6, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) xảy ra vụ tai nạn tương tự khi ô tô con mang BKS 36A - 468.94 do L.N.H. (SN 1991, ở xóm 2, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) điều khiển bị xe tải hiệu Howo mang BKS 36C - 171.15 do tài xế Lương Văn Lâm (SN 1985, trú tại xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) điều khiển, chở đầy đất, đá lật đổ trúng. Vụ tai nạn khiến 3 người trên ô tô con tử vong.
Vào ngày 28/9/2021, tại ngã 4 Cầu Ca, QL37, địa phận phố Cầu Ca, Kha Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên cũng xảy ra một vụ tai nạn do xe quá tải gây ra khi ô tô con mang BKS 30G - 536.46 do Nguyễn Ngọc Liễu (SN 1968, ở Cẩm Xuyên, Sơn Cẩm, Hiệp Hoà, Bắc Giang) bị xe tải mang BKS 15C - 053.48 do Đoàn Văn Quảng (SN 1975, ở xóm Vực Giảng, Tân Hoà, Phú Bình) điều khiển chở đầy đất lật đè trúng khiến tài xế ô tô con tử vong tại chỗ.
Làm lợi cho số ít, hậu quả cả xã hội gánh
Các chuyên gia cho rằng, việc vi phạm chở quá tải không phải ngẫu nhiên mà là cố ý, vì nó đem lại lợi ích cho một số người. Vấn đề nằm ở chỗ, lợi ích chỉ một số ít người được hưởng nhưng cả xã hội phải chịu hậu quả của việc đường hư hỏng do xe quá tải gây ra.
TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông nhận định, gốc rễ của xe quá tải chính là vấn đề lợi nhuận. Bởi lợi nhuận từ việc cơi nới thành thùng để chở quá tải khá cao, trong khi mất ít chi phí cải tạo, do đó, nhiều chủ xe và tài xế biết là rõ vi phạm nhưng vẫn bất chấp pháp luật.
“Người ta phá luật để tìm ra lợi nhuận cao nhất. Nhất là các xí nghiệp vận tải tư nhân thường cố gắng nới thùng xe, chở quá tải càng nhiều càng tốt. Quá trình lưu thông thì tìm cách trốn tránh các cơ quan chức năng, né các trạm cân” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Mối họa mà xe tự ý cơi nới thành thùng để chở quá tải gây ra không chỉ nằm ở việc tàn phá kết cấu hạ tầng giao thông mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng của những người tham gia giao thông. Việc tự ý thay đổi kết cấu sẽ ảnh hưởng lớn tới vị trí trọng tâm xe, do đó, khi phanh gấp hoặc vào cua ở những nơi có bán kính nhỏ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ TNGT.
Khi xe lên dốc, xuống dốc sẽ rất nguy hiểm vì trọng tải lớn mà hệ thống phanh, hệ thống tay lái chỉ có giới hạn chịu lực. Hoạt động trên đường cũng rất khó làm chủ tốc độ nếu trọng tải lớn. “Trường hợp tai nạn ở Hòa Bình, rõ ràng là tay lái không thể làm chủ được nên dẫn đến lật xe, đè lên xe khác. Đây là ví dụ rõ ràng về trường hợp xe trọng tải quá lớn xác suất gây ra tai nạn rất cao” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, để đấu tranh với vấn nạn xe quá tải nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát trên đường như cách làm truyền thống lâu nay sẽ chỉ giải quyết ở từng thời điểm chứ khó có thể xóa tận gốc vấn nạn này.
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường về mặt thể chế, tức là nên nghiên cứu thêm. Đồng thời, cần có những quy định và đi cùng với đó là chế tài về trách nhiệm của đơn vị hoán cải các thùng xe đó. “Cần tăng cường áp dụng chuyển đổi số để theo dõi một cách có hệ thống tình hình phương tiện hoạt động, vi phạm và đã bị xử lý như thế nào để chế định theo hướng các vi phạm nhiều lần sẽ bị tăng nặng mức xử phạt” – ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Mới đây, trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề xử lý xe tải vượt tải, gây xuống cấp nghiêm trọng các tuyến đường giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận thực tế những xe quá khổ, quá tải hoặc xe hết niên hạn sử dụng thường hoạt động. Ông Nguyễn Văn Thể cho biết đang kiến nghị tăng mức xử lý, trong đó có đề xuất những trường hợp xe chở quá tải trên 20% sẽ bị tịch thu xe.