Xe quá tải cày nát mặt đê: Nhiều bất cập trong xử lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có biển báo cấm nhưng lái xe tải vẫn ngang nhiên vi phạm. Ảnh: Trọng Tùng

Tình trạng xe vi phạm quá tải không chỉ làm các tuyến đê hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng phòng chống lũ, mà còn ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường đê. Trong khi đó, việc xử lý những vi phạm này đến nay vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.

 
Dù có biển báo cấm nhưng lái xe tải vẫn ngang nhiên vi phạm. 	Ảnh: Trọng Tùng
Kinhtedothi - Dù có biển báo cấm nhưng lái xe tải vẫn ngang nhiên vi phạm. Ảnh: Trọng Tùng
Gia tăng nguy cơ mất an toàn

Với tổng chiều dài gần 626km, đường đê được xem là tuyến giao thông quan trọng. Bởi vậy, tình trạng mặt đê xuống cấp ngày một nghiêm trọng làm gia tăng những nguy cơ về mất an toàn đi lại đang khiến nhiều người dân khu vực ven sông cảm thấy bất an. Cùng với đó là nỗi lo an toàn đê điều khi mùa mưa bão tới.

Ông Đàm Văn Nam, thôn Mai Châu, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) cho biết, tình trạng xe quá tải khiến người dân thường xuyên lưu thông qua lại tuyến đê tả Hồng hết sức lo lắng. Bởi mặt đường đê hẹp, mỗi khi xe quá tải chạy qua là chiếm gần hết. Thêm nữa, xe tải chở cát, vật liệu xây dựng (VLXD) thường phóng rất nhanh, vì thế, mỗi khi gặp xe tải, người dân thường lựa chọn giải pháp an toàn là… dừng xe, tấp vào sát lề để nhường đường cho các “hung thần” - cách gọi xe tải trọng lớn của người dân. Theo phản ánh của nhiều người dân vùng ven sông Hồng, sông Đuống, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên quan tới xe vi phạm quá tải và tình trạng đường đê xuống cấp.

Ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT) cho biết, việc mặt đê xuống cấp không chỉ ảnh hưởng tới đi lại của cư dân vùng ven sông, mà còn khiến kết cấu đê (bao gồm cả mặt đê, thân đê và đường ven đê) bị phá vỡ, từ đó làm giảm khả năng phòng, chống lũ của các tuyến đê. Đặc biệt, việc nhiều tuyến đê được xây dựng từ lâu, qua thời gian dài không thấm nước trở thành tuyến “đê khô”, rất dễ bị nứt, vỡ khi chịu tác động, va đập mạnh. Khi mực nước các sông dâng cao trong mùa mưa lũ sẽ vô cùng nguy hiểm cho khu vực cư dân sống trong đê…

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, xe quá tải chạy trên đê được xem là nguyên nhân cơ bản khiến bề mặt nhiều tuyến đê bị cày nát và ngày một xuống cấp. Tuy nhiên, yếu tố sâu xa cần kể tới của tình trạng này còn là sự tồn tại của các điểm tập kết, trung chuyển VLXD, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép dọc sông Hồng, sông Đuống thuộc địa phận các huyện Phúc Thọ, Gia Lâm. Ông Đặng Văn Nghĩa - Trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ cho biết, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện (khu vực giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc) đang khiến nhiều bãi bồi bị suy giảm nghiêm trọng về diện tích, lòng sông Hồng bị sụt sạt, ảnh hưởng tới tốc độ - lưu lượng dòng chảy, làm gia tăng nguy cơ mất an toàn phòng, chống lụt bão. Huyện Phúc Thọ đã nhiều lần kiến nghị UBND TP, Sở TN&MT làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc xử lý dứt điểm vấn đề này, tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả.

Lực lượng mỏng, hay thiếu kiên quyết?

Trước tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê, các ban, ngành chức năng của TP, quận, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn sự xuống cấp các tuyến đê. Tại các huyện Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên, lãnh đạo địa phương cho biết, đã thành lập nhiều tổ công tác, túc trực tại những vị trí trọng điểm nhằm ngăn chặn, xử lý xe quá khổ, quá tải đi trên đê. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Bình - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh, do nhân lực có hạn nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ được thực hiện trong giờ hành chính. Nắm được quy luật này, mỗi khi có mặt lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, xe quá tải thường tạm ngừng hoạt động, án binh bất động, hoặc chạy xe ban đêm để tránh chốt kiểm soát.

Trung tá Nguyễn Văn Đoàn - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an huyện Thường Tín) khẳng định, tình trạng xe ô tô quá tải chở VLXD thường xuyên chạy trên tuyến đê sông Hồng đoạn qua xã Hồng Vân và Thống Nhất như phóng viên phản ánh là đúng. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng mỏng, 2 địa phương này lại ở xa trung tâm nên việc bố trí cán bộ ứng trực thường xuyên cũng gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng xe quá tải chạy trên đê sông Hồng, tháng 6 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công an huyện xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra xử dứt điểm vi phạm. Nhưng, vì lý do khách quan nên hiện nay chưa triển khai được theo như chỉ đạo. Mặt khác: “Để có thể xử lý được nạn xe ô tô quá tải đang ngày, đêm chạy trên đê, rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện và Sở GTVT đối với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã ven đê và Đội Thanh tra giao thông huyện. Có sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, đơn vị thì mới xử lý dứt điểm được”.

Thiếu tá Lê Hồng Chuyên - Đội trưởng đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh (Công an huyện Phú Xuyên) cho biết thêm, đê sông Hồng là tuyến giao thông huyết mạch của các xã miền Đông của huyện nên các phương tiện tham gia giao thông hoạt động trên đê là khó tránh khỏi. Hiện, mỗi ngày có khoảng 25 xe ô tô tải chở cát từ các bãi trung chuyển VLXD ngoài đê sông Hồng phục vụ san lấp khu công nghiệp Đại Xuyên và xây dựng trên địa bàn huyện; 10 xe tải chở gạch từ huyện Duy Tiên (Hà Nam) và Khoái Châu (Hưng Yên) đi trên đê vào nội thành tiêu thụ. Từ cuối năm 2014, nửa đầu năm 2015, lực lượng chức năng huyện đã lập biên bản 103 trường hợp xe chở quá tải trọng đi trên đê, xử phạt hơn 200 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 64 trường hợp. Đến nay, tình trạng vi phạm ban ngày đã giảm. Tuy nhiên, ông Chuyên cũng thừa nhận, cứ sau 22 giờ, các chủ xe lại lén lút hoạt động, gây khó khăn cho cơ quan chức năng địa phương trong việc xử lý dứt điểm các vi phạm này (?!).

Trong khi đó, ông Trần Đăng Hải - Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, đầu năm 2015, đơn vị đã yêu cầu chủ các điểm tập kết, khai thác VLXD cam kết thực hiện nghiêm các điều kiện về trọng tải, lộ trình di chuyển, nghiêm cấm cơi nới thùng xe, cũng như tuân thủ quy định về diện tích khu vực lòng sông, ven bờ bãi được phép khai thác, sử dụng. Dù vậy, các vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, theo phản ánh của người dân, các vi phạm đang có chiều hướng diễn ra vào ban đêm, chập tối, hoặc khi lực lượng chức năng vừa rút đi. Đây là một trong những lý do khiến hiệu quả xử lý vi phạm xe quá tải trên đường đê hiện nay chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Khi được hỏi về việc liệu có tình trạng “bảo kê cho vi phạm xe quá tải đi trên đê hiện nay không, đại diện các đơn vị chức năng từ TP đến địa phương đều khẳng định: Không có chuyện “bảo kê”! Dù vậy, thực tế cho thấy, vấn đề xe quá tải chạy trên đê dường như vẫn chưa hết “nóng”. Phải chăng, chế tài xử lý các vi phạm này còn quá nhẹ, hay bởi các lực lượng chức năng địa phương, sở, ban ngành của TP còn ngại “va chạm” và chưa vào cuộc thực sự quyết liệt?
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2015, Công an quận Bắc Từ Liêm và huyện Phúc Thọ cũng đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ gần 30 tàu khai thác khoáng sản trái phép, phạt tiền trên 650 triệu đồng.
(Còn nữa)