Đối với ngành văn hóa, đây là tín hiệu vui vì có sự chung tay của DN. Song, những thư viện phường, xã xây lên vẫn vắng người đọc, liệu xe thư viện lưu động có hợp lý?
Một xe thư viện được đầu tư không chỉ 3.000 – 4.000 bản sách mà còn có 8 máy chiếu, các thiết bị chiếu sáng, máy phát điện, tivi và đặc biệt là mỗi xe 2 máy tính có cài đặt phần mềm phục vụ người khiếm thị, sách nói, máy phóng chữ to cho người nhược thị. Một số DN, tổ chức như Vingroup, Force Hà Lan… tham gia tài trợ cho dự án này. "Lý do chọn 5 tỉnh An Giang, Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam , Gia Lai vì các tỉnh này có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Mặc dù, nhiều năm chúng tôi luôn chủ động với các ngành, huy động nguồn lực để xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở đưa sách báo đến tay người dân, nhưng việc này cũng chỉ thực hiện theo định kỳ 6 tháng/lần, nên sách báo không mang tính cập nhật” – ông Đặn Văn Sành – Giám đốc Thư viện tỉnh An Giang nói và cho biết dự án xe thư viện lưu động là giải pháp hữu hiệu để xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ.
Đồng quan điểm, ông La Đình Nghĩa – Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Với chiếc xe thư viện lưu động, sách báo có thể len lỏi đến từng bản làng cách trung tâm Quảng Nam 200km mà không gặp nhiều cản trở. Người dân ở tỉnh, huyện lị tiếp cận thư viện dễ dàng, còn bà con vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn nhất định. Xe thư viện lưu động hỗ trợ luân chuyển sách báo cho các địa phương tốt hơn”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là mong đợi của những người đang thực hiện dự án ở giai đoạn khởi điểm. Hiệu quả đến đâu của mô hình thư viện lưu động này sẽ cần phải đong đếm cụ thể trên thực tế. Dẫu sao đây cũng là cách phổ biến văn hóa đọc theo xu hướng cập nhật thời đại. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL yêu cầu các địa phương cần vận động và giải thích thế nào để người dân đến với xe thư viện lưu động. Nếu mô hình này thành công, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục đầu tư xe thư viện lưu động cho các tỉnh, TP khác.