Xe tự chế vẫn tung hoành trên đường phố Hà Nội: Phải xử nghiêm, phạt nặng

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng xe ba gác tự chế gây tai nạn giao thông, khiến nhiều người dân lo lắng. Theo các chuyên gia, cần có biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn những “hung thần” này đe dọa đến tính mạng người tham gia giao thông.

Muôn hình vạn trạng vi phạm

Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, vào khoảng 5 giờ 30 phút ngày 8/5, một chiếc xe ba bánh chở theo bó sắt di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội bất ngờ xảy ra va chạm với xe buýt số 88, thuộc Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội. Cú va chạm mạnh khiến những thanh sắt chọc thủng kính chắn và một phần đầu của xe buýt, còn chiếc xe ba bánh chở sắt thì bị hư hại nặng phần đầu. Rất may vụ tai nạn không thiệt hại về người.

Xe tự chế chở hàng ngất ngưởng trên phố Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xe tự chế chở hàng ngất ngưởng trên phố Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trước đó, ngày 23/4, một xe máy tự chế chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu hướng Mai Động - Trần Khát Chân. Khi tới khu vực nút giao cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng), phần đầu phía trước của những thanh sắt xuyên thủng một ô tô 7 chỗ đi hướng ngược lại. Cùng lúc, một xe 5 chỗ đi cùng chiều phía sau xe máy cũng đâm vào các thanh sắt này.

Có thể thấy rằng, hình ảnh những chiếc xe tự chế, chở theo những thanh sắt dài đến hơn 10m ngang nhiên đi lại trên nhiều tuyến phố như Trường Trinh, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Láng… đã không còn lạ lẫm gì với người dân Hà Nội. Những chiếc xe này, không những gây cản trở giao thông, tạo nên hình ảnh nhếch nhác, xấu xí mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Ông Lê Huy Hùng, trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho hay: “Những chiếc xe này chở hàng cồng kềnh, không chằng buộc, chạy tốc độ cao luồn lách bấm còi inh ỏi gây mất an toàn cho người tham gia giao thông".

Đại diện Đội CSGT số 7, Công an TP Hà Nội cho biết, xe ba gác, xe tự chế dùng để chở vật liệu xây dựng hết sức nguy hiểm, nhất là dùng để chở sắt, thép. Nhiều chiếc xe khi bị bắt giữ, hệ thống phanh, đèn thậm chí là khung xe cũng không đầy đủ.

“Một bộ phận người dân ý thức chấp hành luật giao thông còn hạn chế, phớt lờ các quy định của pháp luật, điều khiển xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên đường. Trước thực trạng trên, chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm liên quan đến xe tự chế chở hàng cồng kềnh, tạm giữ phương tiện” - vị đại diện này nói.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Trước tình trạng xe ba gác tự chế hoành hành gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ngày 9/5, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1370/UBND-TH về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT.

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở GTVT và các địa phương quận, huyện, thị xã có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định.

Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau một ngày UBND TP ra văn bản chỉ đạo, trên đường phố Hà Nội vẫn còn nhiều chiếc xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT.

Anh Nguyễn Văn Toàn, trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội chia sẻ: “Trước cửa nhà tôi, hàng ngày có hàng chục chiếc xe tự chế chở đủ các loại hàng hóa chạy qua. Nguy hiểm nhất là những chiếc xe chắp vá chở hàng tạ những cây sắt dài đến hơn 10m”. Anh Toàn cho rằng, những chiếc xe này cực kỳ nguy hiểm vì kết cấu được lắp ráp tự do, không có biển số cũng như cơ quan nào quản lý...

Về chế tài xử phạt, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, ngoài một bộ phận người dân thực sự có thu nhập thấp, thiếu vốn để chuyển đổi phương tiện mưu sinh thì có không ít đối tượng cố tình sử dụng xe thô sơ, xe ba gác tự chế, nhất là hộ kinh doanh.

“Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do xe ba gác tự chế. Tuy nhiên, với ưu điểm tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm, bảo dưỡng phương tiện, giảm giá thành vận chuyển hàng, dễ dàng đi lại trong ngõ nhỏ, xe ba gác tự chế vẫn được ưu tiên lựa chọn” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho hay.

Theo thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, mặc dù đã có chế tài xử phạt nhưng giá trị những chiếc xe này không cao, chủ xe sẵn sàng bỏ lại xe khi bị bắt giữ. Để hạn chế xe ba gác tự chế lưu thông ngoài đường, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm cả chủ xe lẫn người điều khiển.

 

"Cần có biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của người dân. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai để tạo hiệu ứng răn đe đối với những người cố tình sử dụng xe ba gác tự chế để tham gia giao thông." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần