Xẻng đào hầm đồi A1

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tá Đinh Văn Đại, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) là một cán bộ huấn luyện giỏi, đạt nhiều giải cao qua các hội thi.

Trước mùa huấn luyện, anh thường cùng một số cán bộ thăm Phòng truyền thống Trung đoàn. Ở đó, những chiến tích, chiến lệ của đơn vị qua các cuộc kháng chiến như được tái dựng, anh Đại cùng đội ngũ cán bộ say sưa trao đổi về bài học kinh nghiệm rút ra từ các trận đánh, làm ví dụ cho những bài giảng quân sự.

Trước ngày ra quân huấn luyện năm nay, Trung tá Đinh Văn Đại cùng nhiều cán bộ Trung đoàn 102 dừng lại khá lâu trước một hiện vật thô sơ: Chiếc lưỡi xẻng mà các chiến sĩ trung đoàn đã sử dụng trong những ngày “khoét núi, ngủ hầm” tiến công đồi A1 năm 1954. Đồi A1 là cứ điểm vô cùng kiên cố của địch, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã tiến công dũng cảm nhưng không tiêu diệt được.
Trung tá Đinh Văn Đại (thứ hai, từ phải sang) cùng các cán bộ đơn vị trao đổi về hiện vật lưỡi xẻng sử dụng trong tiến công đồi A1 năm 1954.
Trung tá Đinh Văn Đại (thứ hai, từ phải sang) cùng các cán bộ đơn vị trao đổi về hiện vật lưỡi xẻng sử dụng trong tiến công đồi A1 năm 1954.
Ngày 31-3-1954, cấp trên lệnh Trung đoàn 102 vào thay, nổ súng tiến công cứ điểm A1. Cuộc chiến đấu giằng co, vô cùng khốc liệt giữa ta và địch đã diễn ra. Có khi ta chiếm được một đoạn hào, địch lại giội bom, dập pháo rồi cho xe tăng, bộ binh ra phản kích. Hết đợt này đến đợt khác, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô với chiếc xẻng công binh nhỏ bé đã tự đào hầm hào, công sự để chống lại máy bay, pháo binh, xe tăng địch. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh cũng tay xẻng, tay súng, tự mình băng qua lửa đạn để chỉ huy đơn vị chiến đấu. Do vị trí đặc biệt của đồi A1 với số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nên tướng giặc Đờ Cát đã tập trung binh, hỏa lực, bảo vệ A1 bằng mọi giá. Sau hai ngày, ba đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, Trung đoàn 102 chịu thương vong hơn 800 cán bộ, chiến sĩ mà vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ tiến công A1.

Về sau, học tập kinh nghiệm của đơn vị bạn, Trung đoàn 102 đã thực hành vây lấn khi tiến công các cứ điểm địch. Sử dụng vũ khí thô sơ như cuốc, xẻng thực hành đào hào vây lấn, thắt chặt vòng vây, khi đường hào tiến sát hàng rào thép gai của địch thì đào đường hầm chui qua, bất ngờ tiến công địch. Ngày 6-5-1975, trung đoàn được giao tiến công cứ điểm Nà Noọng, đã thực hành mở đột phá khẩu, chỉ 20 phút đã làm chủ cứ điểm, hoàn thành trước thời gian được giao.

Chiếc lưỡi xẻng mà “bộ đội 102” đã sử dụng trong trận tiến công đồi  A1, giờ không chỉ là hiện vật quý, mà còn là tài liệu trực quan về việc kết hợp vũ khí thô sơ với hiện đại trong chiến đấu, một bài học kinh nghiệm quý giá đối với lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102.