Tranh luận trái chiều
Theo kết quả xếp hạng, những trường luôn là lựa chọn đầu tiên của thí sinh giỏi, có điểm chuẩn đầu vào cao chót vót trong những năm gần đây lại đứng ở vị trí sau như ĐH Bách khoa Hà Nội đứng thứ 7, ĐH Y Hà Nội thứ 20, ĐH Ngoại thương thứ 30, Học viện Tài chính thứ 40. Một cán bộ đến từ trường ĐH Bách khoa Hà Nội phản ứng, theo xếp hạng trường ĐH của các tổ chức quốc tế, ĐH Bách khoa Hà Nội luôn đứng ở vị trí số 1, 2 trong số những trường Việt Nam tham gia. Vậy kết quả xếp hạng này là theo chuẩn nào? TS Lưu Quang Hưng – Nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne (Australia), chủ biên báo cáo xếp hạng giải thích: 49 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng theo cả 3 thước đo thành phần là nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất và quản trị.
Một cán bộ khác cũng đến từ trường ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra quan điểm, nếu có được bảng xếp hạng uy tín là tốt, nhưng chất lượng dữ liệu nghiên cứu khoa học của Nhóm là rất lo ngại. Bởi một trường có nhiều tên quốc tế, chẳng hạn như ĐH Bách khoa Hà Nội có 2 tên, làm thống kê đầy đủ thông tin nghiên cứu khoa học của trường? Vị cán bộ này cũng thấy vô lý ở tiêu chí quản trị và cơ sở vật chất. Nếu xét về cơ sở vật chất, ĐH Bách khoa Hà Nội không thể đứng ở vị trí 20 khi sở hữu một thư viện hiện đại không trường ĐH nào ở miền Bắc sánh bằng. Về các công trình nghiên cứu khoa học, trường có 2.300 cán bộ nhưng có hơn 700 người phục vụ thí nghiệm thì không thể tính họ vào làm công việc nghiên cứu.
Cải thiện tiêu chí xếp hạng
Tại buổi công bố kết quả xếp hạng giáo dục ĐH Việt Nam , cũng có những ý kiến không đồng tình khi trường ĐH Ngoại thương đứng thứ 23, trường ĐH Kinh tế quốc dân đứng thứ 30 trong khi nhiều thí sinh điểm cao ngất đầu vào ĐH vẫn bị trượt. Đặc biệt, sinh viên ra trường, tỷ lệ có việc làm cao và được lựa chọn vị trí công việc. Về việc này, TS Hưng giải thích: “Không có sự đồng nhất xếp hạng thứ tự và chất lượng đào tạo của một trường. ĐH Ngoại thương ít công trình nghiên cứu công bố nhưng chất lượng sinh viên lại hơn hẳn các trường khác vì năng động, tham gia nhiều câu lạc bộ, đi làm thêm. Vì chỉ có 15 trường có dữ liệu tỷ lệ việc làm của sinh viên nên Nhóm không thể đưa vào làm một tiêu chí để xếp hạng.
TS Giáp Văn Dương – thành viên của Nhóm giải thích thêm, sở dĩ trường ĐH Bách khoa ở vị trí thứ 7 vì 5 ĐH quốc gia và ĐH vùng có quy mô lớn nên đã đứng phía trên, tiếp đó ĐH Tôn Đức Thắng có công bố quốc tế tốt “ngoi” lên nên ĐH Bách khoa Hà Nội mất chỗ. Vì thế, để đảm bảo công bằng, nếu lần sau thực hiện xếp hạng, Nhóm sẽ làm với từng trường thành viên của ĐH Quốc gia và ĐH vùng.
TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, mục tiêu của Nhóm muốn cung cấp cho công chúng thông tin độc lập, khách quan để các trường biết mình đang ở đâu, yếu mảng nào để tiếp tục phấn đấu, tuy nhiên tiêu chí xếp hạng... có vấn đề. Thứ nhất, hệ thống giáo dục của chúng ta không hoàn chỉnh. Xếp hạng là con dao hai lưỡi, bởi về phương pháp, nếu chúng ta xử lý không khách quan và đúng đắn thì sẽ không phản ánh được năng lực của các trường. Thứ hai, về dữ liệu thu thập, nếu không đáng tin cậy sẽ cho kết quả không thể chính xác. Tuy nhiên, bà Ly hy vọng Nhóm sẽ cải thiện các tiêu chí để ngày càng phản ánh tốt hơn chất lượng thực sự của các trường và đáp ứng kỳ vọng của người học.