Xét nghiệm, tiêm vaccine thần tốc, Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm cùng với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, có thể nhận định, cơ bản Hà Nội đã kiểm soát được dịch.

Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng và đại diện các sở, ngành của thành phố.
 Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Trước khi làm việc với lãnh đạo UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã đến kiểm tra thực tế công tác tiêm chủng, xét nghiệm tại điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 Trung tâm Văn hóa thể thao quận Đống Đa ở 22 phố Đặng Tiến Đông.
Hà Nội đã đạt hơn 96% tỷ lệ người dân tiêm ít nhất 1 mũi vaccine
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 3.856 ca, trong đó có 1.596 ca tại cộng đồng và 2.260 ca đã được cách ly.
Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội lần 1 (từ ngày 24/7 đến 7/8), thành phố ghi nhận trung bình 71,2 ca/ngày. Giai đoạn giãn cách lần 2 (từ ngày 8 đến 22-8), trung bình thành phố ghi nhận 56,8 ca/ngày. Giai đoạn giãn cách lần 3 (từ ngày 23/8 đến 6/9), trung bình 71 ca/ngày. Đến giai đoạn giãn cách lần 4 (từ 7/9 đến 18h ngày 15/9), số ca mắc trung bình được ghi nhận trong ngày đã giảm mạnh còn 30 ca/ngày.
Theo tin Sở Y tế Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã triển khai thực hiện 16 đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND thành phố.
Tính từ 18h ngày 14/9 đến 18h ngày 15/9, toàn thành phố đã tiêm thêm được 164.861 mũi vaccine phòng Covid-19, nâng tổng số vaccine tiêm được qua 16 đợt lên thành 5.126.569 mũi (4.721.300 mũi 1 và 405.269 mũi 2), sử dụng 4.687.618 liều vắc xin/5.359.676 liều được cấp, đạt tiến độ 87,5% trên tổng số vaccine được cấp.
Trong đó, 38% người có bệnh lý nền, người cao tuổi (trên 65 tuổi) và phụ nữ có thai trên địa bàn thành phố đã được tiêm vắc xin, tương đương 275.805 mũi.
Nếu tính các bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn thành phố, theo công bố trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 vào ngày 15/9, Hà Nội đã tiêm được hơn 5,95 triệu liều. Với dân số từ 18 tuổi trở lên là 5,75 triệu người, hiện Hà Nội đã đạt hơn 96% tỷ lệ người dân tiêm ít nhất 1 mũi vaccine/tổng dân số từ 18 tuổi trở lên.
Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch

Nhấn mạnh tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong triển khai công tác xét nghiệm thần tốc, cũng như tiêm chủng vaccine.

Tuy nhiên, do đặc điểm của biến thể Delta nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát của dịch luôn hiện hữu, vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong toả thì thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng và từ đó thu hẹp dần vùng phong toả, giãn cách.

Về điều trị, Thành phố phải thực hiện nghiêm phân tầng theo đúng quy định của Bộ Y tế. "Nếu làm tốt phân tầng và điều trị hiệu quả ở tầng 1 và tầng 2 thì tránh được gánh nặng cho tầng 3, đồng thời giảm nguy cơ cho người bệnh"- Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/ cụm công nghiệp vì "dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau".

Theo đó, Hà Nội phải yêu cầu 100% doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể và chủ doanh nghiệp phải ký cam kết công tác phòng chống dịch với Ban Quản lý khu/cụm công nghiệp hoặc chính quyền địa phương (đối với doanh nghiệp nhỏ).

Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, để phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động phòng dịch ngay từ cơ sở. Đặc biệt, thành phố thực hiện phòng, chống dịch theo 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly/khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực.

"Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm cùng với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, thành phố có thể tự tin khẳng định, cơ bản đã kiểm soát được dịch.

Những ca bệnh ghi nhận những ngày gần đây chủ yếu ở trong khu cách ly, khu phong tỏa. Tình hình dịch ở Hà Nội "nóng" như vậy, nguy cơ cao như vậy mà vẫn giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế", Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết.

 Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã đến kiểm tra thực tế công tác tiêm chủng, xét nghiệm 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, từ 12h ngày 16/9, thành phố nới lỏng một số hoạt động. Cụ thể, các địa bàn ở những quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố) được hoạt động một số lĩnh vực kinh doanh, như: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Đề cập các kế hoạch phòng, chống dịch tiếp theo của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội vẫn duy trì việc cách ly tập trung các trường hợp F1. Thành phố có kế hoạch dự kiến xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao. Đến nay, thành phố đã kích hoạt 70.000 chỗ cách ly tập trung. Thậm chí, trong kế hoạch đã xây dựng đến 120.000 chỗ cách ly tập trung.

Về vấn đề điều trị, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, bên cạnh sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trung ương, thành phố cũng đã xây dựng phương án 40.000 giường bệnh, trong đó tỷ lệ tầng 1 là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%). Thành phố đã có phương án về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc...

Đặc biệt, trong công tác điều trị, thành phố đã lên phương án bảo đảm oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, thành phố yêu cầu các bệnh viện tư nhân bố trí 40% số giường bệnh, sẵn sàng tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cần.