Kinhtedothi - Sau 10 năm mong ngóng, dự kiến, đầu năm 2015 sẽ có lớp nghệ nhân đầu tiên được Nhà nước vinh danh. Thế nhưng chỉ còn hơn một tháng nữa là hết hạn nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT), song việc triển khai ở các địa phương vẫn… dậm chân tại chỗ.
Địa phương loay hoay
Có lẽ, chưa một Nghị định nào có thời gian xây dựng hơn 20 năm mới được ban hành như Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Và cũng có lẽ chưa có Nghị định nào lại nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là chồng chéo lĩnh vực giữa hai bộ (Bộ Công Thương và Bộ VHTT&DL) như Nghị định 62. Và mặc dù, đến ngày 7/8/2014, Nghị định chính thức có hiệu lực, nhưng những người tâm huyết với văn hóa dân gian như GS Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền vẫn không ngớt lời ca thán về những quy định phi lý của một bộ hồ sơ xét tặng như: thời gian hành nghề, cống hiến truyền dạy, băng đĩa ghi hình chứng minh... Chính vì thế, dù đã có kế hoạch triển khai hướng dẫn và nhận hồ sơ đề nghị xét tặng, nhưng Sở VHTT&DL các tỉnh thành vẫn lúng túng không biết triển khai thế nào.
Theo thống kê sơ bộ của Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 69 nghệ nhân dân gian, đã được Hội Văn nghệ dân gian và Nhân dân thừa nhận. Thế nhưng, nếu áp theo quy định của Nghị định 62 thì chỉ có khoảng trên dưới 30 nghệ nhân đáp ứng được tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Theo ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ: "Quy định gặp vướng nhất của việc xét tặng nghệ nhân đợt đầu là yêu cầu các nghệ nhân phải tích cực truyền dạy. Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh tôi có không ít nghệ nhân đã trên 100 tuổi, quá trình truyền dạy của họ diễn ra từ thời còn trẻ, được Nhân dân thừa nhận nhưng không có băng đĩa ghi hình lưu lại. Đó là chưa kể, các nghệ nhân ở khu vực nông thôn, ít cập nhật văn bản chính sách. Trong khi đó, Nghị định quy định nghệ nhân phải tự làm hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xét tặng". Vì liên tục gặp vướng, nên đến nay Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ chưa nhận được hồ sơ đề nghị xét tặng nào của các nghệ nhân cao niên. Đó là chưa kể, các chuyên viên Phòng Di sản của tỉnh luôn gặp phải những thắc mắc của những nghệ nhân mới được đào tạo, chưa đủ quy định 15 - 20 năm thực hành nghề như quy định của Nghị định. Để gỡ vướng cho các vấn đề này, theo ông Phạm Bá Khiêm: Cần hướng dẫn triển khai Nghị định cụ thể. Nhưng thực tế khi nhận được hướng dẫn, địa phương vẫn lúng túng.
Tại Hà Nội, những người phụ trách quản lý di sản của Sở VHTT&DL cũng vừa được cập nhật thông tin về Kế hoạch xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT lần thứ nhất năm 2015 của Bộ VHTT&DL. Đại diện Sở cho biết: "Thời gian nhận hồ sơ xét tặng danh hiệu NNƯT lần thứ nhất kéo dài đến 30/9, thời gian hội đồng cấp tỉnh gửi hồ sơ lên hội đồng chuyên ngành cấp Bộ là 25/12. Kế hoạch xét tặng của Bộ yêu cầu các Sở VHTT&DL chịu trách nhiệm tổ chức và hỗ trợ các cá nhân xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT". Vị đại diện của Sở cũng cho rằng, vì kế hoạch mới có, nên công tác triển khai chưa được là bao, chưa nhận được hồ sơ đề nghị xét tặng của tổ chức, cá nhân cấp quận, huyện, xã, phường; cũng chưa thể lường hết khó khăn từ thực tế. Tuy nhiên, Sở VHTT&DL Hà Nội cũng khẳng định, để xét tặng đúng người, không bỏ sót các nghệ nhân có nhiều cống hiến thật sự là bài toán khó.
Đơn vị chủ quản đùn đẩy
Vì gặp khó, thời gian xét tặng lại gần kề, nên các địa phương liên tục nhờ các phương tiện truyền thông lên tiếng. Song, khi chúng tôi liên hệ với Cục Di sản văn hóa và Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTT&DL) - những đơn vị trực tiếp soạn thảo Nghị định 62, đều không có câu trả lời rõ ràng hay hướng dẫn thực hiện những bất cập của Nghị định. Liên hệ với ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng thì việc cung cấp thông tin được đùn đẩy cho Cục Di sản văn hóa. Bên Cục Di sản văn hóa thì Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng luôn có “điệp khúc”: Bận, đi công tác, không xếp được lịch làm việc với báo chí.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đã từng thẳng thắn nhìn nhận, Bộ VHTT&DL là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 62, nên sẽ có trách nhiệm thành lập các tổ công tác đi đến từng địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ công tác xét tặng. “Tùy từng địa phương, từng hoàn cảnh của nghệ nhân mà chúng tôi xem xét một cách thực tế, trên cơ sở hướng dẫn làm sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng không trái với luật, Nghị định đã quy định” - bà Liên khẳng định. Thế nhưng, bao giờ các đơn vị trực thuộc Bộ mới thực hiện nhiệm vụ Thứ trưởng đặt ra vẫn là câu hỏi chưa trả lời được. Hơn nữa, liệu cán bộ của Cục Di sản văn hóa có là cánh tay nối dài hướng dẫn được cả 63 tỉnh, thành đang có các nghệ nhân chờ được công nhận? Xem ra, các sở VHTT&DL lại phải tự tìm cách gỡ vướng cho mình, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nghệ nhân chuẩn bị hồ sơ xét tặng danh hiệu.
Một buổi biểu diễn Hát Xoan của các nghệ nhân tỉnh Phú Thọ.
|