Phần mềm sẽ chạy lọc ảo 6 lần
Thưa ông, công tác xét tuyển của nhóm miền Bắc năm nay có gì khác so với các năm trước?
- Đến thời điểm này, có 53 trường ĐH cùng tham gia vào nhóm xét tuyển miền Bắc. Để rút kinh nghiệm cho công tác xét tuyển năm nay, trước đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một buổi tổng kết và rút kinh nghiệm công tác xét tuyển năm ngoái.
Bộ cũng tổ chức riêng một buổi tập huấn kỹ thuật, trong đó, cán bộ kỹ thuật các trường được góp ý cải tiến các khâu làm sao tránh thí sinh trúng tuyển ảo. Phần mềm xét tuyển năm nay tốc độ xử lý trơn tru. Đa phần các trường trong nhóm xét tuyển phía Bắc quen thuộc, tham gia mấy năm liền, ngoại trừ trường ĐH Phenikaa là mới nhưng đã được tập huấn chung theo chương trình của Bộ GD&ĐT, nắm khá nhanh các quy trình, nên mọi việc đều ổn.
Theo kế hoạch, từ ngày 6 - 8/8, nhóm xét tuyển miền Bắc sẽ chạy chính thức trước khi gửi kết quả lên Bộ GD&ĐT lọc ảo lần cuối cùng. Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động của phần mềm trong 3 ngày này?
- Trong 3 ngày (6 - 8/8), nhóm miền Bắc sẽ chạy lọc ảo 6 lần. Để phần mềm hoạt động suôn sẻ và đáp ứng yêu cầu, trước tiên, phần mềm căn cứ vào số chỉ tiêu, nguyện vọng, tiêu chí phụ để chạy lần đầu cho ra số lượng tuyển được của các ngành.
Có thể, có ngành vượt quá chỉ tiêu, ngành lại ít hơn so với số lượng đưa ra; các trường điều chỉnh lại cho điểm chuẩn thấp hơn, sau đó phần mềm sẽ chạy lại. Năm nay, nhóm xét tuyển miền Bắc đã có những cải tiến nên đợt xét tuyển chính thức các đơn vị tham gia không cần đến ĐH Bách khoa Hà Nội. Họ hoàn toàn có thể ngồi trực tuyến ở trường mình theo dõi, đội kỹ thuật sẽ hỗ trợ tối đa cho ban lãnh đạo trường để có quyết định đầy đủ hơn trong các mức điều chỉnh.
Mỗi thí sinh chỉ trúng một nguyện vọng
Ngoài xét tuyển sinh bằng kết quả thi THPT Quốc gia 2019, các trường còn có phương thức khác như học bạ. Phần mềm xét tuyển miền Bắc có cách nào để tỉ lệ trúng ảo ở mức thấp nhất?
- Khi các trường đã ở trong nhóm xét tuyển chung khu vực miền Bắc, sẽ không có câu chuyện ảo vì thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng. Khi thí sinh đã trúng tuyển ở trường A thì không thể cùng đậu tại trường B. Hơn nữa, một trường xét tuyển theo các phương thức khác nhau, trong đề án tuyển sinh đã nói rõ từng phương án lấy bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu.
Ví dụ, trường thông báo xét tuyển 40% chỉ tiêu theo học bạ, 60% từ kết quả thi THPT Quốc gia 2019. Điều này đồng nghĩa với phần mềm xét tuyển miền Bắc chỉ quan tâm tới 60% chỉ tiêu từ kết quả thi THPT Quốc gia, khi số lượng đến ngưỡng đó phần mềm sẽ tự cắt nên không ảnh hưởng gì đến nhóm xét tuyển.
Để phòng trừ thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học vì đi du học, học nghề..., các năm trước, một số trường lấy cao hơn so với chỉ tiêu để khi gọi đạt 100%. Trường Bách khoa Hà Nội có thể chia sẻ về việc này?
- ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong tuyển sinh. Ban Giám hiệu nhà trường cũng có những quyết sách hợp lý; tuy nhiên, cũng có những ngành chỉ được 98%, có ngành 102% chỉ tiêu. Nếu trường lấy số lượng cao quá so với chỉ tiêu đưa ra, Bộ GD&ĐT sẽ “tuýt còi”. Cho nên các trường mới cần đội tư vấn, thực hành xét tuyển nhiều lần, không thể hạ điểm chuẩn xuống quá thấp để lấy chỉ tiêu quá nhiều.
Không phải đơn giản Bộ GD&ĐT cho 3 ngày chạy xét tuyển bởi khi phân tích số liệu liên tục tạo thành dòng ổn định, các đội kỹ thuật có kinh nghiệm nhìn vào đó tham vấn thêm cho ban lãnh đạo các trường để ra quyết sách lợp lý nhất. Qua đó, tránh tình trạng tuyển quá nhiều hoặc quá ít so với khả năng của trường.
Trong việc chạy xét tuyển này, đôi khi nhiều trường khó đạt được đúng các tỉ lệ đặt ra. Nhưng đó là cuộc chơi chung nên các trường phải xác định, cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo, tư vấn tuyển sinh để giúp thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn, chứ không phải ngồi đợi thí sinh đến.
Xin cảm ơn ông!