Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét tuyển đại học bổ sung: Cơ hội lựa chọn lại những ngành phù hợp

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi xét tuyển xong đợt đầu tiên, nhiều trường đại học (ĐH) cân đối, xem xét thông báo xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung ĐH chính quy. Đây là cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển đợt đầu cân nhắc để có lựa chọn nguyện vọng (NV) ngành phù hợp nhất.

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào trường Đại học Giáo dục năm 2020. Ảnh: UED
Đa dạng điểm, ngành xét tuyển
Sau xét tuyển ĐH đợt đầu tiên, cả nước có gần 50% trường ĐH, các ngành xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, học bạ chưa đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, những trường ĐH top trên xét tuyển bổ sung số lượng không nhiều. Đơn cử, trường ĐH Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển thêm 80 CT chia đều cho 4 ngành: Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục. Trường xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi/bài thi, đã cộng với điểm ưu tiên khu vực, đối tượng đạt từ 17 điểm trở lên và đảm bảo các điều kiện của nhà trường đều đủ được quyền đăng ký.

Các trường ĐH công lập top giữa xét tuyển bổ sung bằng 2 phương thức (điểm thi tốt nghiệp THPT, Học bạ), số lượng tương đối lớn, ngưỡng điểm nhận hồ sơ thấp hơn hẳn, tổ hợp đa dạng. Đây là cơ hội cho những thí sinh có mức điểm trung bình khá xem xét, lựa chọn. Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội tuyển 260 chỉ tiêu ĐH cho 7 ngành đào tạo trình độ ĐH, điểm nhận hồ sơ dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 15 – 16 điểm; theo Học bạ từ 18 - 21 điểm, tùy theo ngành; tuyển 250 chỉ tiêu trình độ cao đẳng cho 3 ngành, thí sinh tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Lâm nghiệp xét tuyển bổ sung 21 ngành ĐH; điểm nhận hồ sơ của các ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên là 19, Thú y 17 điểm... Trường xét tuyển các ngành theo tổ hợp dựa trên kết quả học tập năm lớp 12 THPT là 18 điểm...

Nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng tuyển bổ sung từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với số lượng lớn, đa dạng ngành, chỉ ở mức điểm 14 trở lên, như trường ĐH Phương Đông... Trường ĐH Phennikaa mới thành lập đang khẳng định chất lượng đào tạo, quy định ngưỡng điểm nhận hồ sơ từ 18 - 22,5, tùy theo từng ngành. Đợt xét tuyển bổ sung này, trường Phennikaa tuyển 505 chỉ tiêu cho 19 ngành đào tạo.

Cân nhắc lựa chọn ngành phù hợp

Khi tìm hiểu các NV xét tuyển bổ sung, nhiều thí sinh quan tâm liệu chênh hơn mấy điểm so với mức nhà trường công bố để khả năng trúng cao? cơ hội việc làm sau này, nhất là đối với những ngành mới? Về việc này, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục cho biết: Nhà trường công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 17 nhưng các thí sinh có điểm từ 20 trở lên sẽ nhiều hy vọng hơn. Khi trường xây dựng các ngành đều có phân tích nhu cầu thị trường việc làm lớn, Ví dụ, ngành Tham vấn học đường đang thiếu 70.000 người, bởi Bộ GD&ĐT quy định, mỗi nhà trường có một phòng tham vấn tâm lý... Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp thông tin: Nhu cầu nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0 của ngành dệt may giai đoạn 2020 – 2025 dự kiến tăng 8%, giai đoạn 2026 – 2030 tăng 6%. Đối với ngành may, cần nhiều nhân viên thiết kế mỹ thuật, quản lý chuỗi cung ứng...

Trước băn khoăn của thí sinh về việc không yêu thích nhiều những ngành xét tuyển bổ sung, có nên đăng ký? “Việc này là quyết định của từng người. Tuy nhiên, ngành các thí sinh yêu thích nhất có thể chưa phải là phù hợp nhất vì chưa hiểu rõ chương trình học và hiểu bản thân đến mức nào. Có nhiều thí sinh, sau khi trúng tuyển vào học mới nhận thấy ngành yêu thích không giống như tưởng tượng. Vì thế, các thí sinh hãy xem xét đợt xét tuyển bổ sung là cơ hội để cân nhắc kỹ, lựa chọn những ngành phù hợp và sửa sai cho các lựa chọn trước đây” – ông Trần Thành Nam phản hồi.
Các thí sinh theo dõi trên báo đài, web của trường thông tin xét tuyển bổ sung (về chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, thời gian đăng ký, nơi nhận hồ sơ). Đợt xét tuyển này, thí sinh vẫn được đăng ký vào các trường, các ngành khác nhau, theo yêu cầu cụ thể của nhà trường. Thí sinh cần xem xét cân nhắc mức điểm chuẩn trúng tuyển của nhà trường đã công bố. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm trúng tuyển lần sau không thấp hơn lần trước.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT PGS.TS Nguyễn Thu Thủy