Bị cáo Tất Thành Cang không đồng ý nội dung truy tố
Chiều 28/12, vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại SADECO tiếp tục phần xét hỏi.
Bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh (Bên phải) và bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa. |
Bị cáo Tất Thành Cang (SN 1971, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh) bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, được xác định giữ vai trò đầu vụ. Bị cáo Cang có bút phê “Đồng ý” vào tờ trình 1148/TTr-VPTU ngày 28/4/2017 do bị cáo Phạm Văn Thông (SN 1960, nguyên Phó Chánh VPTU) trình ký về phương án phát hành cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ tại SADECO, chấp thuận chủ trương để VPTU biểu quyết chấp thuận cho SADECO phát hành 9 triệu cổ phần bán cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần, không thông qua đấu giá, thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Trả lời HĐXX về bút phê “Đồng ý” vào tờ trình 1148 nêu trên, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng với vai trò Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, phụ trách VPTU, bị cáo thông qua chủ trương, còn việc thực hiện thuộc về VPTU TP Hồ Chí Minh. Quá trình xem xét đề xuất từ Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), 100% vốn của Nhà nước, là công ty mẹ của SADECO, bị cáo nhận một số tờ trình. Tuy nhiên, không thấy tờ trình về ấn định giá phát hành cổ phần. Bị cáo cùng cấp dưới có tổ chức họp, nghe ý kiến doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan. Theo quy chế làm việc, việc chấp thuận chủ trương bán đấu giá vốn góp không cần xin ý kiến cấp trên.
Về vấn đề phát hành cổ phần sai quy trình, bị cáo Cang cho rằng những nội dung trong đại hội cổ đông do bị cáo Tề Trí Dũng cùng các đồng phạm chủ trì, quyết định không đúng với chủ trương. Vì vậy, bị cáo Tề Trí Dũng cùng cấp dưới phải tự chịu trách nhiệm. Vốn của VPTU chỉ chiếm 16,7%, nên không thể toàn quyền quyết định. Tại bản tường trình gửi đến cơ quan điều tra, bị cáo đã khẳng định việc làm này không đúng quy định.
“Thực hiện nhiệm vụ với tư cách Phó Bí thư Thường trực, bị cáo làm việc theo nguyên tắc định hướng, không can thiệp. Bị cáo không phải là người có chức vụ cao nhất nắm quyền quản lý tài sản của Thành ủy TP Hồ Chí Minh” - bị cáo Tất Thành Cang nói.
Từ những nội dung trả lời trên, bị cáo Tất Thành Cang không đồng tình với nội dung cáo trạng truy tố. Bị cáo Cang khẳng định không chỉ đạo Tề Trí Dũng bán 9 triệu cổ phần, không đóng vai trò quyết định gây ra thiệt hại tại SADECO, đồng thời đề nghị HĐXX cho đối chất với bị cáo Tề Trí Dũng.
Không có căn cứ xử lý trách nhiệm một số cá nhân
Trong vụ án này, cáo trạng của Viện KSND TP Hồ Chí Minh cũng xác định trách nhiệm của UBND TP Hồ Chí Minh trong việc quản lý vốn tại IPC. Theo đó, vào ngày 27/6/2017 Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có công văn 8399/VP-KT, do ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh ký gửi Chi cục Tài chính doanh nghiệp và IPC nêu ý kiến chỉ đạo của ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh về kiến nghị giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 44% xuống 28,8% tại SADECO.
Công văn 8399, có nội dung: “… Chấp thuận theo nội dung đề xuất của Chi cục Tài chính doanh nghiệp; Giao Hội đồng thành viên IPC chịu trách nhiệm: Căn cứ đề án tái cơ cấu của IPC đã được UBND thành phố phê duyệt tại quyết định 7431/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 và nội dung kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong tại thông báo 243/TB-VP ngàv 5/4/2017; Tiềm năng phát triển, giá trị thực tế doanh nghiệp của SADECO và lợi ích tối ưu nhất so với các phương án khác để xem xét, quyết định về phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng tại SADECO, đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhà nước theo đúng quy định. Thực hiện việc đầu tư vốn ra ngoài công ty, quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác theo đúng quy định Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 của Quốc hội; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 của Quốc hội…, và các quy định pháp luật có liên quan”.
Mặt khác, văn bản 471/IPC.17 ngày 5/4/2017 của IPC là văn bản báo cáo UBND TP và Chi cục Tài chính Doanh nghiệp về việc tăng vốn điều lệ của SADECO theo phương thức phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược Công ty Nguyễn Kim không có nội dung xin ý kiến chấp thuận để thực hiện.
Từ đó, cáo trạng kết luận UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Hội đồng thành viên IPC chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phương án tăng vốn điều lệ của SADECO theo đúng quy định về đấu giá quyền mua cổ phần, đảm bảo lợi ích tối ưu so với các phương án khác. Trong đó có khoản 5 điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Vì vậy, không có căn cứ đế xử lý trách nhiệm đối với ông Lê Thanh Liêm, ông Nguyễn Hữu Tín và các cá nhân khác tại UBND TP Hồ Chí Minh.
Vai trò của Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim ra sao?Đối với vai trò của Công ty Nguyễn Kim trong vụ án mua 9 triệu cổ phần của SADECO. Cáo trạng xác định ông Nguyễn Văn Kim - Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim, là người cử bị cáo Nguyễn Hữu Thành và bị can Phạm Nhật Vinh đại diện Công ty Nguyễn Kim tham gia vào HĐQT SADECO, đại diện theo ủy quyền đối với cổ phần của Công ty Nguyễn Kim tại SADECO là 30,8%. Kết quả ghi lời khai các cá nhân liên quan cùng với tài liệu, chứng cứ thu thập chưa có tài liệu thể hiện ông Nguyễn Văn Kim can thiệp, tác động, yêu cầu bị cáo Nguyễn Hữu Thành, Phạm Nhật Vinh biểu quyết phát hành với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
"Kết quả điều tra đến nay chưa có căn cứ kết luận ông Nguyễn Văn Kim và các cá nhân liên quan khác đồng phạm trong việc mua 9 triệu cổ phần của SADECO", cáo trạng nêu.
Đối với trường hợp của ông Phan Thanh Tân, thời điểm ngày 18/5/2017 là Phó chánh VPTU TP Hồ Chí Minh phụ trách mảng Tài chính Đảng. Ngày 14/6/2017, VPTU phân công ông Tân xử lý công việc của bị cáo Phạm Văn Thông do được điều động làm Chủ tịch Ngân hàng Saigonbank.Ngày 20/7/2017, ông Tân được phân công chính thức phụ tránh chỉ đạo mảng kinh tế Đảng. Khi tiếp nhận bàn giao công việc từ Phạm Văn Thông, chủ trương đồng ý cho người đại diện vốn của VPTU biểu quyết thông qua việc SADECO phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược đã được thông qua, ông Tân chỉ tiếp nhận các nội dung công việc theo quy định.
Tuy nhiên, với vai trò, trách nhiệm được giao, việc ông Tân không yêu cầu người đại diện vốn báo cáo để theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, không phát hiện được các bị cáo Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Đoàn Minh Lý có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VPTU là thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm được giao, nhưng chưa đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự. Nhưng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng và chính quyền đối với ông Phan Thanh Tân.
Truy nã nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Kim Sau khi vụ án xảy ra, ông Phạm Nhật Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Kim, thành viên HĐQT SADECO bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can. Tuy nhiên, bị can Phạm Nhật Vinh đã nhanh chân bỏ trốn ra nước ngoài, hiện đang bị truy nã. Cơ quan điều tra cũng quyết định tách vụ án hình sự và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Vinh, khi bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định. |