Xét xử bị cáo Tất Thành Cang: Vì sao số tiền Nhà nước thất thoát hơn 669,6 tỷ đồng?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng số tiền Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) bị thiệt hại 1.103,139 tỷ đồng, cơ quan chức năng xác định tài sản Nhà nước thất thoát hơn 669,6 tỷ đồng. Vậy con số này được xác định từ đâu và hơn 443 tỷ đồng thiệt hại còn lại là của ai?

Bị cáo Tề Trí Dũng là chủ mưu xuyên suốt vụ án
Sáng 28/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử với phần xét hỏi bị cáo Tất Thành Cang (SN 1971, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh) cùng 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại SADECO.
 Bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh (người ngồi bìa phải), kế bên là bị cáo Tề Trí Dũng.
Ngoài việc bị cáo Tất Thành Cang được xác định giữ vai trò đứng đầu vụ án. Cáo trạng cũng xác định bị cáo Tề Trí Dũng (SN 1981), nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC - vốn của Nhà nước 100%) kiêm Chủ tịch HĐQT SADECO (Công ty con của IPC), có vai trò chủ mưu trong suốt quá trình chuyển nhượng 9 triệu cổ phần trái pháp luật cho đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) với giá 40.000 đồng/cổ phần, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận IPC không tổ chức họp lấy ý kiến để ấn định giá cổ phần hay lựa chọn đối tác. Bị cáo cũng cho rằng có xin ý kiến UBND TP Hồ Chí Minh về chủ trương giảm vốn của Nhà nước từ 44% xuống 28,8% và nâng vốn điều lệ tại SADECO.
Trong việc giảm vốn Nhà nước và tăng vốn điều lệ nêu trên, ngoài một số văn bản chính thống, UBND TP Hồ Chí Minh từng điện thoại trao đổi với bị cáo, nhưng không đề cập phương án bị cáo trực tiếp tham gia. Từ đó bị cáo chủ quan dẫn đến nhẫm lẫn trong việc bán vốn Nhà nước với phát hành cổ phần.
“Thời điểm SADECO phát hành 9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ, bị cáo nghĩ đây là việc làm đúng, vì đã chọn phương án phù hợp, đúng quy định. Sau khi bị khởi tố, bị cáo mới biết sai và rất hối hận. Bị cáo cũng thừa nhận nhiều sai phạm trong việc chọn Công ty Cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh không có chức năng thẩm định để thẩm định giá, và khi bán cổ phần đã không đấu giá”, bị cáo Tề Trí Dũng nói.
Nhà nước thất thoát hơn 669,6 tỷ, cổ đông khác 443 tỷ
Bị cáo Tề Trí Dũng cũng cho rằng IPC là doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước, nên HĐQT IPC phải tuân thủ mọi chỉ đạo từ lãnh đạo, Văn phòng Thành ủy (VPTU) TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là chỉ đạo của bị cáo Tất Thành Cang lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Trong vụ mua bán 9 triệu cổ phần nêu trên, số tiền thiệt hại của SADECO được xác định hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó tài sản Nhà nước bị thất thoát hơn 669,6 tỷ đồng. Những con số này được Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh xác định thông qua kết luận định giá tài sản sau khi vụ án xảy ra.
Cụ thể, ngày 21/8/2020, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (ĐGTSTTTHS) TP Hồ Chí Minh có kết luận định giá số 5409/KL-HĐĐGTS và kết luận định giá (bổ sung) số 7836/KL-HĐĐGTS ngày 8/12/2020, kết luận tổng giá trị các khu đất của SADECO tại thời điểm phát hành cổ phần là 2.889.063.653.800 đồng (trong khi đó, giá trị sổ sách của SADECO chỉ xác định giá trị tài sản hơn 400 tỷ đồng).
Ngày 16/4/2021, Hội đồng ĐGTSTTTHS TP Hồ Chí Minh đã có kết luận định giá tài sản số 2161/KL-HĐĐGTS kết luận: “Thời điểm tháng 1/2017, giá trị tài sản của SADECO là 3.245.129.294.949 đồng, giá trị các khoản nợ phải trả là 481.419.685.615 đồng”. Căn cứ quy định tại thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán doanh nghiệp, đủ căn cứ xác định trị giá một cổ phần tại SADECO là 162.571 đồng: Giá trị một cổ phần (tài sản ngắn hạn + tài sản dài hạn - nợ phải trả) + số lượng cổ phần = (3.245.129.294.949 đồng - 481.419.685.615 đồng) + 17 triệu cổ phần).
Quá trình điều tra xác định trong khoảng thời gian phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến thời điểm thanh lý hợp đồng (từ tháng 1/2017 - 1/2019), SADECO chưa chia cổ tức cho cổ đông, vẫn giữ lại SADECO cho đến nay. Như vậy, thiệt hại của việc SADECO phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim được tính toán theo công thức: (162.571 đồng/cổ phần - 40.000 đồng/cổ phần) x 9 triệu cổ phần = 1.103.139.000.000 đồng. Trong đó, tài sản Nhà nước bị thất thoát 669.605.373.000 đồng (vốn của UBND TP Hồ Chí Minh 485.381.160.000 đồng, tương đương 44%; vốn của Thành ủy TP Hồ Chí Minh 184.224.213.000 đồng, tương đương 16,7%), các cổ đông khác 433.533.627.000 đồng.
20 bị cáo ở 2 nhóm tội danh
- Nhóm bị cáo thuộc tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gồm: Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng, Phạm Văn Thông (SN 1960, nguyên Phó Chánh VPTU), Hồ Thị Thanh Phúc (Nguyên Tổng Giám đốc SADECO), Nguyễn Hữu Thành (SN 1953, nguyên Phó Chủ tịch Công ty Nguyễn Kim, thành viên HĐQT SADECO), Lê Hoàng Minh (SN 1965, nguyên Chủ tịch IPC), Vũ Xuân Đức (SN 1973, nguyên thành viên HĐTV IPC), Nguyễn Trường Bảo Khánh (SN 1986, nguyên thành viên HĐTV IPC), Trần Mạnh Khôi (SN 1989) và Đoàn Minh Lý (SN 1976, cả hai đại diện vốn IPC tại SADECO), Lâm Văn Tuấn (SN 1965, nguyên thành viên Ban Kiểm soát SADECO), Phùng Đức Trí (SN 1977, nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Đoàn Thị Minh Trang (SN 1986, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch IPC) và Lương Trí Cường (SN 1987, nguyên chuyên viên Phòng tài chính - Kế hoạch IPC), Đỗ Công Hiệp (SN 1973, nguyên Kế toán trưởng SADECO), Huỳnh Phước Long (SN 1967, nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư và Kinh doanh vốn thuộc VPTU), Trần Công Thiện (SN 1965, nguyên Tổng Giám đốc IPC), Phạm Xuân Trung (SN 1977) và Trần Đăng Linh (SN 1979, cả 2 nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC).  
- Nhóm bị cáo tội “Tham ô tài sản”, gồm: Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp, Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh và Nguyễn Văn Minh (SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐTV IPC, đại diện vốn của VPTU tại SADECO).