Xét xử đại án kinh tế tại Ngân hàng OceanBank: Làm rõ việc chi lãi ngoài ở các chi nhánh

Thiên Bình - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3, phiên tòa xét xử đại án kinh tế tại Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (OceanBank) bước sang ngày làm việc thứ 5.

Tại phiên tòa, HĐXX tiến hành thẩm vấn một số bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh của OceanBank để làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chối việc gây thiệt hại
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Nga – nguyên Kế toán trưởng kiêm Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch và hiện đang là Giám đốc Khối nguồn vốn OceanBank phải chịu trách nhiệm đối với 175 tỷ đồng là khoản chi “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất.
Tại phiên tòa, bị cáo Nga khai không nắm được chủ trương thu phí tại Công ty BSC và Ban Kế toán. Theo bị cáo Nga, trong số 175 tỷ đồng này có 66 tỷ đồng chi không sai phạm, phần còn lại là hạch toán tạm ứng và sau đó đã được hoàn lại bằng tiền cá nhân của bị cáo Hà Văn Thắm nên không thể nói là gây thiệt hại.
Bị cáo này cho rằng, việc xét xử về hành vi gây thiệt hại là không đúng vì các bị cáo đều không có động cơ gây hại và ai cũng vì ngân hàng. Còn xét về thiệt hại, bản thân bị cáo cũng như nhiều bị cáo khác còn rất nhiều trăn trở. Do vậy, bị cáo không hiểu cơ sở nào để có thể tính toán chi phí của DN mà không tính số thu. Tuy nhiên, bị cáo Nga lại thừa nhận, có vi phạm về Thông tư 02 đối với trần lãi suất… Bị cáo Nga đề nghị HĐXX xem xét việc huy động và cho vay cần nhìn một cách toàn diện. Bản thân bị cáo cũng như những người liên quan không có chút tư lợi nào trong hành vi này.

Từ trái sang phải: Bị cáo Trần Thị Thu Hương - nguyên Giám đốc OceanBank, Chi nhánh Hải Dương;  Bị cáo Nguyễn Thị Nga – nguyên kế toán trưởng OceanBank; Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên - nguyên Giám đốc OceanBank, Chi nhánh Vũng Tàu.

Ngoài ra, bị cáo Nga còn khai, có nhận chỉ thị thu ngoài lãi suất từ Lê Thị Thu Thủy - nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank. Đối với khoản chi cho khách hàng 66 tỷ đồng đã được Nga chuyển thẳng vào tài khoản của các khách hàng. Tất cả các giao dịch chuyển khoản đều có giấy báo nợ và giấy báo thay cho phiếu nhận tiền bằng tiền mặt. “Quan điểm của bị cáo cũng như chị Thủy là không làm trái về nguyên lý kế toán, nên bị cáo không hề có ý tư vấn làm khác với bản chất kế toán. Khi không thể chi được từ chi phí thì chúng tôi yêu cầu các lãnh đạo phải tự tìm nguồn tiền để chi và sẽ được hoàn lại bằng tiền mặt ngay sau đó. Ngoài số tiền 66 tỷ đồng, bị cáo chưa từng cầm một đồng tiền mặt nào của ngân hàng để chi cho ai” - bị cáo Nga cho biết.
Tiếp đó, để làm rõ những khoản tiền bị thiệt hại trong việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng ở các chi nhánh, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn Nguyễn Thị Kiều Liên (SN 1978) – nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Vũng Tàu. Theo cáo trạng, bị cáo Liên đã chi hơn 30 tỷ đồng lãi suất vượt trần.
Trước tòa, Liên cho biết, sau khi bị cáo Thắm cùng một số người bị khởi tố, bị cáo rất lo lắng và băn khoăn về các khoản tiền đã chi trong việc “chăm sóc khách hàng”. Vì vậy, ngay sau đó, bị cáo đã cố gắng liên lạc với khách hàng để thu lại tiền nhưng hầu hết đều tránh mặt. Có một số khách hàng khi gặp mặt thì chỉ viết ra giấy và nhất quyết không chịu nói một lời. Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có một đơn vị trả lại tiền nhưng không ký xác nhận.
Về những khó khăn trong việc huy động vốn và áp lực công việc, bị cáo Liên khai: Năm 2011, bối cảnh thị trường rất khó khăn và xe của ngân hàng, khách luôn đứng chờ ở cửa lấy tiền. Thậm chí, người của nhiều ngân hàng khác liên tục đứng ở quầy chờ lấy tiền. Lúc đó, bị cáo chỉ nhận thức được là “chăm sóc khách hàng” để giữ chân họ. Trong khi đó, bị cáo Hà Văn Thắm lại tuyên bố: Nếu anh chị nào không huy động được tiền, không làm được việc thì đứng ra một bên cho người khác làm. Trước thực tế đó, nhiều người đã phải điều chuyển hoặc không giữ được công việc của mình.
Tiếp tục kể tội “sếp”, bị cáo Liên trình bày, quá trình chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, bị cáo Thắm luôn nói sẽ có nguồn tiền hợp lý để hỗ trợ cho chi nhánh. Cùng với đó, bị cáo Thắm còn “hùng hồn” tuyên bố rằng đã có những quyết sách nên khiến nhân viên như các bị cáo rất trân trọng và tin tưởng. Thế nhưng, bị cáo lại không ngờ mình lại đứng trước vành móng ngựa như ngày hôm nay.
Tương tự, bị cáo Trần Thị Thu Hương (SN 1974) – nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hải Dương cũng cho biết về “nỗi khốn khổ” của bản thân hiện nay mà nguyên nhân do Hà Văn Thắm gây ra. Theo cáo trạng, Hương bị truy tố do đã chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho khách hàng tổng cộng 29,5 tỷ đồng.
Tại tòa, Hương trình bày, trong số tiền 29,5 tỷ đồng chi “chăm sóc khách hàng” thì các DN ở Hải Dương đã nhận hơn 8 tỷ đồng với nhiều hình thức (vừa bằng tiền mặt và vừa quà). Riêng, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại nhận hơn 6 tỷ đồng và chưa nộp lại đồng nào. Hiện, chỉ có một DN trả lại hơn 404 triệu đồng. Còn nói về số tiền 1,3 tỷ đồng nộp vào tài khoản của cơ quan tố tụng, bị cáo Hương cho biết, do tiền “chăm sóc khách hàng” đã phải bán cả căn nhà để có tiền khắc phục hậu quả.
Hương khẳng định trước HĐXX, OceanBank Chi nhánh Hải Dương của bị cáo hoạt động luôn có lãi. Bị cáo cũng không bàn bạc và không được biết nguồn tiền chi lãi ngoài từ đâu. Bởi vậy, bị cáo Hương không hiểu vì sao lại bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…
Tại phiên tòa này, hầu hết các bị cáo đều khai làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được biết và được bàn bạc đến chủ trương chi lãi ngoài. Bản thân các bị cáo chỉ là nhân viên làm công ăn lương. Đồng thời, trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các bị cáo đều cố gắng trong khả năng và trách nhiệm của mình làm tốt nhiệm vụ được giao vì sự phát triển của ngân hàng.
Xe ngân hàng khác chờ sẵn chở tiền đi?
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam - nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn của OceanBank cho biết, không biết chủ trương thu phí tín dụng nhưng có nhận được thông báo về việc chi lãi ngoài. Ngoài ra, bị cáo này còn “hé lộ” chuyện khách hàng ồ ạt rút tiền từ OceanBank chuyển sang xe chở tiền của ngân hàng khác đứng đợi sẵn trước cửa để được hưởng tiền chi lãi ngoài.
Theo lời khai của bị cáo Nam, ngày 7/9/2011, Hà Văn Thắm có chỉ đạo bằng văn bản không thực hiện chi ngoài trên toàn hệ thống. Bởi vậy, các chi nhánh đã phải chứng kiến việc: Vì không chi lãi ngoài nên đã rất đau lòng khi xe tiền của ngân hàng khác trực sẵn trước cửa ngân hàng mình để chở tiền của khách hàng rút từ OceanBank mang đi.
Vẫn theo bị cáo này, do là người phụ trách nguồn vốn của ngân hàng nên Nam nắm rất chắc các số liệu về nguồn vốn. Vì vậy, vào thời điểm OceanBank dừng chi lãi ngoài và khách hàng ồ ạt rút tiền dẫn đến vốn huy động nhanh chóng sụt giảm từ 12.000 tỷ đồng (tháng 8/2011) xuống còn 5.000 tỷ đồng. “Thời điểm đó chúng tôi rất căng thẳng vì các ngân hàng khác đều chi ngoài lãi suất. Số dư huy động ngày một giảm, lúc đó anh Thắm đã phải ra quyết định cứu ngân hàng nên đã phải theo chân các ngân hàng khác, chứ OceanBank không phải là đơn vị khởi đầu trong việc chi lãi ngoài. Tại thời điểm đó, tất cả đều có nhận thức chung cứu ngân hàng chứ không ai nghĩ gây thiệt hại” - bị cáo Nam thanh minh.
Phân tích sâu hơn, bị cáo Nam cho rằng, thời điểm năm 2011, lạm phát lên đến 18% nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ cho trần lãi suất 14%. Như vậy, không có lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Đồng thời, tín dụng thời điểm từ năm 2008 - 2012 thường xuyên tăng phi mã, con số tổng huy động của toàn xã hội thấp hơn hoặc chỉ ngang bằng với tổng cho vay ra của toàn xã hội. Với những lập luận này, bị cáo Nam cho rằng, thời điểm đó không ngân hàng nào không chi ngoài.
Trong khi đó, trả lời tại tòa, Hà Văn Thắm cũng xác nhận, có ký một văn bản yêu cầu các phòng giao dịch và chi nhánh dừng việc chi lãi ngoài. Tuy nhiên, do sau đó người dân rút tiền ồ ạt để mang sang ngân hàng khác gửi nên bị cáo Thắm không còn lựa chọn nào khác…
Ở hành vi “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, từ chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank về việc chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank, các giám đốc, phó tổng giám đốc đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội sở OceanBank và giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch chi lãi ngoài hợp đồng trái quy định. Hành vi của 45 bị cáo này được xác định đã gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.576 tỷ đồng.