Tách một phần vụ án để điều tra ở giai đoạn 2
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSND Tối Cao) về vụ việc Hà Văn Thắm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), ngoài sai phạm đối với các khoản cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Hà Văn Thắm và các đối tượng tại OceanBank còn có các sai phạm trong việc thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra sau cho vay đối với nhiều doanh nghiệp, đến nay nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) khoảng 4.935 tỷ đồng và nợ khó có khả năng thu hồi là hơn 9.048 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý để định giá, công ty hoạt động thua lỗ hoặc không có nguồn thu, OceanBank xác định khó có khả năng thu hồi.
Hồ sơ vụ án thể hiện, vào tháng 5/2014, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Thị Lan Hương, Thư ký HĐQT lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Dự án StarCity Westlake giữa 9 cá nhân do Hà Văn Thắm chỉ định với Công ty Viptour - Togi làm chủ đầu tư (Hà Văn Thắm Chủ tịch HĐQT Oceanbank kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) là cổ đông lớn). Sau đó, Hà Văn Thắm chỉ đạo Nguyễn Thị Dung là người được Thắm thuê làm Phó tổng giám đốc CTCP Viptour - Togi ký vào các hồ sơ khống này. Đồng thời chỉ đạo Nguyễn Việt Hà, Giám đốc PGD Đào Duy Anh thực hiện thẩm định cho vay. Đến ngày 29/5/2014, theo chỉ đạo của Thắm, Nguyễn Việt Hà giao Trần Trung Kiên - Trưởng Phòng và cán bộ tín dụng Nguyễn Anh Tuấn lập báo cáo thẩm định đề nghị duyệt cho vay.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay, Nguyễn Anh Tuấn không liên hệ với khách hàng, không thẩm định khả năng tài chính, không định giá tài sản đảm bảo khoản vay mà đã lập 9 tờ trình thẩm định đề xuất duyệt cho vay đối với 9 khách hàng cá nhân, trình Trần Trung Kiên và Nguyễn Việt Hà ký, trình Hội sở xét duyệt khoản vay. Bất chấp hồ sơ bị Phòng thẩm định cá nhân của Oceanbank trả lại do không đủ điều kiện, Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn vẫn đồng ý cho vay.
Cùng ngày, Phòng giao dịch Đào Duy Anh đã ký 9 hợp đồng tín dụng và 137,89 tỷ đồng đã được giải ngân. Tiền về tài khoản của Viptour - Togi, sau đó Hà Văn Thắm để trả nợ cho các khoản vay khác của Thắm.
Hiện tại, OceanBank đã thu hồi hơn 26 tỷ đồng tiền gốc và 1,53 tỷ đồng tiền lãi phạt do 2 cá nhân đã tự thanh lý, chuyển trả. Công ty Viptour - Togi đã chuyển nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng 111,84 tỷ đồng để trả tiền nợ gốc. Như vậy số tiền nợ gốc của khoản vay nói trên đã được thu hồi.
Liên quan đến khoản vay này có Hà Văn Thắm, Nguyễn Việt Hà, Trần Trung Kiên và Nguyễn Anh Tuấn. Do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có quyết định tách ra để tiếp tục điều tra, xử lý hành vi vi phạm này trong giai đoạn II của vụ án cùng với 1 số khoản vay có dấu hiệu vi phạm khác…
Luật sư nhầm lẫn bút lục giữa 2 vụ án
Trong phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm, HĐXX đã triệu tập 747 người liên quan. Có nhiều người vắng mặt. HĐXX cho biết, nếu cần sẽ ra lệnh áp giải đối với những người vắng mặt...
Đáng lưu ý, khi công tố viên đang công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo thì bất ngờ, chủ tọa Trần Nam Hà yêu cầu tạm dừng, nghỉ 5 phút vì “phát sinh tình tiết mới”. Theo đó, tại phiên tòa, luật sư của bà Hứa Thị Phấn đặt vấn đề, ở phần xét xử sơ thẩm lần 1, luật sư đã sao chụp một số hồ sơ là các bút lục lời khai của bị cáo, sau đó hồ sơ được trả về để điều tra bổ sung. Cơ quan công an đã khởi tố thêm bà Hứa Thị Phấn. Tuy nhiên, đến nay không còn những bút lục mà luật sư đã từng tiếp cận trước đó. Theo luật sư, đây là những chứng cứ rất quan trọng, đặc biệt khi luật sư cho rằng bà Hứa Thị Phấn bị oan.
Liên quan đến vấn đề trên, thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định, quá trình nghiên cứu, luật sư đã không nghiên cứu hồ sơ. Luật sư đã có sự nhầm lẫn giữa bút lục hồ sơ vụ án Phạm Công Danh (đại án kinh tế tại Ngân hàng VNCB) với hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm (đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank).
Ngày mai (29/8), HĐXX sẽ tiếp tục làm việc với phần xét hỏi...