Xét xử đại án Trustbank: Lập khống chứng từ trên 11.300 tỷ đồng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/5, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục bước sang ngày thứ 3 xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank).

 Các bị cáo tại tòa
Lập khống hạch toán để sử dụng 4.945 tỷ đồng
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ngoài hành vi nâng khống hàng chục bất động sản (BĐS), mua bán lòng vòng để nâng giá trị thực nhằm chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của Trustbank, bị cáo Hứa Thị Phấn cùng 28 đồng phạm còn có hành vi lập hàng trăm chứng từ thu – chi khống (liên quan 82 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu của Công ty Phương Trang – PV), với số tiền trên 11.345 tỷ đồng.

Qua kết quả xác minh tại Trustbank (nay là CBbank), cơ quan điều tra xác định tổng số 82 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu của Công ty Phương Trang, với tổng dư nợ gốc 16.451 tỷ đồng, được giải ngân khống để cấn trừ các chứng từ thu khống trên 11.345 đồng. Việc thu khống với mục đích nộp tiền vào tài khoản (TK) và mở sổ tiết kiệm cho nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn trên 2.502 tỷ đồng, để tất toán khoản vay của nhóm Phú Mỹ trên 1.673 tỷ đồng, tất toán gốc và lãi các khoản vay của Công ty Phương Trang trên 6.917 tỷ đồng, trả lãi trái phiếu Công tỵ Trường Vỹ (thuộc Công ty Phương Trang) trên 229 tỷ đồng.
Thực tế, nhóm Phú Mỹ chỉ nộp tiền mặt trên 56 tỷ đồng để bổ sung nguồn và giải ngân bằng tiền mặt thực tế (nguồn từ rút NHNN trên 5.105 tỷ đồng và tồn quỹ). Làm việc với cơ quan điều tra, Hứa Thị Phấn khai đã nhận sử dụng trên 4.945 tỷ đồng; Còn số tiền trên 167 tỷ đồng, bà Phấn không nhớ chính xác có nộp tiền mặt thực tế hay không.

Cáo trạng xác định do Hứa Thị Phấn chỉ đạo cấp dưới thông qua Bùi Thị Kim Loan (SN 1978, nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) đến 2 chi nhánh của Trustbank yêu cầu lập và hạch toán 163 chứng từ khống; tuy nhiên bị cáo Loan không thừa nhận việc yêu cầu 2 chi nhánh lập chứng từ khống.

Thủ đoạn thêm, bớt chứng từ khống

Về phương thức, thủ đoạn, sau khi cấn trừ các chứng từ thu - chi khống, nếu có chênh lệch, 2 chi nhánh sẽ xử lý như sau: Nếu các khoản thu vào nhiều hơn các khoản chi ra, 2 chi nhánh thống nhất với Loan bỏ bớt chứng từ thu hoặc rút tiền mặt từ tài khoản của công ty hoặc cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ.
Ngược lại, nếu các khoản thu vào ít hơn các khoản chi ra, khi đó tại 2 chi nhánh mới phát sinh việc giải ngân bằng tiền mặt. Nếu chênh lệch này ít, tồn quỹ tiền mặt của chi nhánh đủ để chi trả, thì chi trả tiền mặt từ nguồn quỹ. Nếu chênh lệch lớn, tồn quỹ tiền mặt của chi nhánh không đủ chi trả, thì việc giải ngân bằng tiền mặt có nguồn chính từ việc Ban Giám đốc chi nhánh ký séc rút tiền mặt từ TK của ngân hàng tại NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Việc rút tiền mặt từ NHNN được giao cho Ngô Thị Ngân (thủ quỹ Trustbank, cháu dâu của bị cáo Phấn) là chính. Sau khi rút được tiền mặt từ NHNN, Ngân đem tiền đến phòng làm việc của Hứa Thị Phấn ở tòa nhà Lam Giang (số 167 - 173 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tổng số tiền rút từ NHNN tại các ngày có việc thu chi cấn trừ là 4.799,2 tỷ đồng, trong đó Ngân rút 4.554,2 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần