Xét xử giai đoạn 2 đại án VNCB: Truy tìm 4.700 tỷ đồng Phạm Công Danh vay các ngân hàng

Bài, ảnh: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/7, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Bên đòi thu hồi tiền, bên không đồng ý trả

Trong phần xét hỏi, tất cả 46 bị cáo và đại diện của các Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); SacomBank và Công ty TNHH MTV Ngân hàng Xây dựng (CBBank) đều giữ nguyên quan điểm đã trả lời tại phiên tòa sơ thẩm trước đó (diễn ra từ ngày 8/1 đến 7/2).

Quan điểm của CBBank yêu cầu thu hồi trên 6.126 tỷ đồng từ BIDV, TPBank và SacomBank như đề nghị của Viện KSND Tối cao để trả cho CBBank nhằm khắc phục hậu quả VNCB và không đồng ý trả tiền cho các cổ đông được cho là góp tiền tăng vốn điều lệ VNCB. Tuy nhiên, đại diện 3 ngân hàng còn lại khẳng định không thể trả lại số tiền nêu trên vì các quan hệ vay tiền đã xảy ra và hoàn thành trước khi vụ án VNCB bị khởi tố. Đồng thời tại phiên tòa trước, Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) Việt Nam cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ngành…, với nội dung nếu thu hồi 6.126 tỷ đồng từ BIDV, SacomBank và TPBank sẽ gây tác động tiêu cực đối với hoạt động của ngân hàng, vì 3 ngân hàng cho vay đã thu nợ đúng quy định.

 Bị cáo Phạm Công Danh

Công văn của HHNH Việt Nam lý giải: Tại Kết luận giám định số 1637/KLGĐ-NHNN ngày 16/3/2017 của tổ giám định độc lập của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã khẳng định BIDV, Sacombank, TPBank thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký và không có thiệt hại tại 3 ngân hàng này. Việc thu hồi 6.126 tỷ đồng sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng. Vì theo pháp luật hiện hành, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản của bên vay trước khi thu nợ. Nếu buộc ngân hàng phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, thủ tục hành chính, chi phí cho các ngân hàng và khách hàng…

CBBank dùng 2 số vốn điều lệ trên giấy phép

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục truy tìm số tiền 4.700 tỷ đồng mà Phạm Công Danh vay từ BIDV, SacomBank, TPBank (thông qua 29 lượt công ty của Danh), trong đó có 4.500 tỷ để tăng vốn điều lệ cho VNCB hiện ở đâu? Trả lời câu hỏi trên, đại diện CBBank khẳng định 4.500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung, được hoạch toán vào vốn điều lệ, dùng trả lương nhân viên và các khoản khác. Còn bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) khẳng định, về nguyên tắc nếu các khoản vay dùng để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được phép sử dụng thì phải trả lại cho các khách hàng.

Về vấn đề thời điểm này, trên giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của CBBank vẫn sử dụng 2 con số thể hiện vốn điều lệ là 3.000 tỷ và 7.500 tỷ đồng, đại diện CBBank cho rằng con số 3.000 tỷ đồng mới đúng. Còn đại diện NHNN khẳng định, không có quy định nào cho phép CBBank được tồn tại 2 số vốn điều lệ trên giấy phép.

Đại diện NHNN cũng trả lời về việc cấp tín dụng bằng bảo lãnh phải theo quy định pháp luật, các tổ chức tín dụng phải thực hiện đầy đủ Quyết định 1627 của NHNN, quy chế cho vay, các quy định trong Luật các tổ chức tín dụng, phải kiểm tra điều kiện trả nợ của khách hàng, phương án kinh doanh… và NHNN cũng đã có hướng dẫn các ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thu hồi vốn vay khi phát hiện ra rủi ro.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần