Xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm: Các bị cáo tái khẳng định mình vô tội

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phần đối đáp, luật sư khẳng định các bị cáo vô tội. Nhưng đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên quan điểm có tội.

Viết phần mềm, không biết người thuê dùng làm gì?
Ngày 19/12, phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” đối với các bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT; Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) cùng 17 đồng phạm, tiếp tục với phần bào chữa, đối đáp của các luật sư với đại diện VKSND.
 Bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (thứ 1, 2 từ phải sang) tại phiên tòa ngày 19/12.
Bị cáo Nguyễn Xuân Hiền (SN 1978, Giám đốc Công ty tin học Xuân Phi, đơn vị viết thuê phần mềm cho nhóm bị cáo Công ty Yên Khánh), nói trước tòa là hoàn toàn không biết Công ty Yên Khánh thuê viết phần mềm để sử dụng vào việc cắt giảm doanh thu. Bị cáo nhận lỗi mình đã cung cấp phần mềm, bị cáo có gửi email, nhưng không có nội dung nào nói bị cáo tư vấn phần mềm cắt giảm doanh thu. Sau khi chỉ đạo cho bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân (SN 1979, Phó Giám đốc Công ty Xuân Phi) viết phần mềm, bị cáo không theo dõi các bước tiếp theo.
“Công ty của bị cáo kinh doanh tin học, vì mưu sinh nên bị cáo chỉ làm theo đơn đặt hàng của mọi đối tác, kể cả Công ty Yên Khánh. Tại thời điểm viết phần mềm. Mức án 6 - 7 năm tù là quá nghiêm khắc. Mong HĐXX xem xét giảm mức hình phạt, đồng thời xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Vân vì chỉ là người làm thuê” - Bị cáo Nguyễn Xuân Hiền nói.
Còn luật sư Lê Thị Bích Chi, bào chữa cho bị cáo Hạnh Vân, đồng tình với hành vi của bị cáo Vân nêu trong cáo trạng. Nhưng luật sư cho rằng Vân không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mức án 3 - 4 năm tù quá nghiêm khắc. Bởi lẽ ông Hệ là người chủ mưu chỉ đạo thuê viết phần mềm, Vân chỉ là người làm công ăn lương, không được ông Hệ bàn bạc và không được hưởng lợi từ vụ án. Khi được chỉ đạo viết phần mềm, bị cáo Vân không có quyền được biết mục đích của Công ty Yên Khánh dùng để làm gì.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng không đồng tình với những cáo buộc bị cáo Hệ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các luật sư cho rằng số tiền 725 tỷ đồng thực chất của Công ty Yên Khánh, vì công ty này đã trả đủ số tiền mua quyền thu phí (QTP) hơn 2.004 tỷ đồng. Hành vi can thiệp phần mềm và làm giả doanh thu cũng không phải là hành vi chiếm đoạt số tiền này, còn hành vi làm giả báo cáo tài chính nhằm được quyền tham gia mua đấu giá QTP.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định mình vô tội
Trong phần đối đáp diễn ra vào chiều tối cùng ngày, tất cả các bị cáo trong đó có bị cáo Đinh La Thăng đều giữ nguyên quan điểm mình vô tội, các luật sư cũng giữ nguyên quan điểm thân chủ của họ không có tội.
Đại diện VKSND TP nêu lại 3 vấn đề lớn mà các luật sư bào chữa cho 20 bị cáo cho rằng cáo trạng buộc tội không đúng. Thứ nhất, các luật sư cho rằng QTP được chuyển giao giữa Tổng Công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh không phải là tài sản của Nhà nước quản lý. Thứ hai, các luật sư phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố bị cáo Đinh La Thăng. Thứ ba, các luật sư khẳng định việc truy tố bị cáo Đinh Ngọc Hệ là không đúng.
Đại diện cơ quan công tố khẳng định: Về QTP 5 năm liên quan đến Nhà nước, thì “Tài sản, tài nguyên đều do Nhà nước quản lý”, và “Tài sản công là tài sản Nhà nước gồm hạ tầng giao thông”. Đại diện VKSND đưa ra hàng loạt Thông tư để từ đó khẳng định đủ cơ sở xác định toàn bộ QTP trong khoảng thời gian từ 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2014 đến 24 giờ ngày 31/12/2018 là của Nhà nước.
Việc các luật sư cho rằng “Hợp đồng chuyển giao QTP giữa Tổng Công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh không bao gồm QTP Nhà nước” là không đúng. Đây là hành vi cố ý làm trái dẫn đến Đinh Ngọc Hệ gian dối chiếm đoạt 725 tỷ đồng. Các luật sư cho rằng hợp đồng đã được thanh toán và “lời ăn lỗ chịu” là không đúng.
“Nhà nước đã quy định người được quyền mua đấu giá phải có nguồn tài chính để đảm bảo trả tiền đúng hạn. Ở đây các bị cáo không giao đúng hạn. Ngoài ra, bị cáo Hệ đã chỉ đạo Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh), Hùng chỉ đạo Diệt làm giả các hồ sơ tài chính, đây là hành vi gian dối. Mối quan hệ giữa Hệ và nhân viên là mối quan hệ chủ tớ.
Việc bị cáo Hệ chỉ đạo can thiệp vào phần mềm của Bộ GTVT, trong khi xe qua trạm phải nộp 100.000 đồng, nhưng biên lai chỉ thể hiện 50.000 đồng, đó là gian dối. Bị cáo Hệ đã đạo các bị cáo khác xâm nhập hệ thống phần mềm thu phí để thay đổi số seri nhiều lần, thay đổi giá vé từ cao xuống thấp. Việc chỉ đạo của bị cáo Hệ xuyên suốt, nhất quán”, đại diện VKSND đối đáp.
Đối với nội dung các luật sư phản bác cáo trạng truy tố bị cáo Đinh La Thăng. Đại diện VKSND cho rằng hành vi của bị cáo Thăng giữ vai trò chính gây thiệt hại cho Nhà nước. Giữa bị cáo Thăng và Hệ đã gặp nhau, xin số ĐTDĐ liên lạc. 
Đại diện VKSND TP cũng cho rằng trong giai đoạn bán QTP cao tốc, có 11 văn bản ghi nơi nhận là Bộ trưởng Đinh La Thăng. Khi Công ty Yên Khánh vi phạm hợp đồng chậm trả tiền, thì ông Thăng có bút phê chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các bên thực hiện đúng quy định. Từ đó, đại diện VKSND TP khẳng định cáo trạng truy tố ông Thăng là đúng người, đúng tội, không oan sai. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần