Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm: Út “trọc” gây ảnh hưởng, trục lợi gì?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vụ án này, riêng bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) bị xử 2 tội danh, nhưng lại liên quan đến… 2 miền. Vậy tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” của Út “trọc” diễn ra thế nào, ở đâu?

Kinh doanh lỗ, vẫn dám “đoạt” dự án 1.900 tỷ!
Theo đó, ngày 5/7/2011 Bộ GTVT có quyết định 1451/QĐ-BGTVT lập dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì (mới) dành riêng cho giao thông đường bộ, qua sông Lô trên Quốc lộ 2, giao Sở GTVT tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư. Do không bố trí được nguồn vốn đầu tư nên ngày 25/3/2013, Bộ GTVT có quyết định chuyển chủ đầu tư dự án từ Sở GTVT tỉnh Phú Thọ sang Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Quyết định 2284/QĐ-BGTVT ngày 2/8/2013 chuyển hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Việt Trì (mới) từ nguồn ngân sách Nhà nước sang hình thức hợp đồng BOT và chuyển chủ đầu tư dự án từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sang Ban Quản lý dự án Thăng Long.
Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm ngày 15/12, tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình tivi.
Ngày 25/9/2013, Bộ GTVT có quyết định 2932/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án BOT cầu Việt Trì (mới), tổng đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Biết được các chủ trương trên, tháng 9/2013 Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Vũ Thị Hoan (cháu ruột, SN 1985, Giám đốc Công ty Yên Khánh) đại diện cho liên danh nhà đầu tư Công ty Yên Khánh - Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1) - Công ty CP Đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng ký bản đăng ký thực hiện dự án BOT cầu Việt Trì gửi Bộ GTVT.
Ngày 13/11/2013, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư Yên Khánh - Thái Sơn - Cienco 1, thực hiện đầu tư dự án cầu Việt Trì (mới) theo hình thức BOT. Ngày 22/11/2013, Công ty CP BOT cầu Việt Trì được Sở KH&ĐT tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ 265 tỷ đồng, do ông Quách Bá Vương làm Giám đốc, đại diện pháp luật. Cổ đông góp vốn, gồm: Công ty Yên Khánh (góp 40%), Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (do Trần Văn Lâm đại diện, góp 40%), Cienco 1 do ông Nguyễn Mạnh Tiến đại diện (góp 20%). Với tỷ lệ góp vốn như trên, 2 công ty của Đinh Ngọc Hệ nắm giữ tới 80% vốn góp và chi phối dự án này.
Do Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ từ trước với ông Phạm Văn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty CP Licogi 13 (Công ty Licogi 13) từ năm 2012 (Thầu phụ của Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn-Bộ Quốc phòng), thực hiện gói thầu XL05 dự án nâng cấp Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, Hệ biết Công ty Licogi 13 là chủ đầu tư dự án khu nhà ở thấp tầng tại 164 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).
Do vậy, Hệ đã gặp ông Thăng, đặt vấn đề mua căn biệt thự BT01 tại dự án đang được công ty bán với giá 18 tỷ đồng. Hệ nói với ông Thăng bán cho Hệ căn biệt thự này với giá 15 tỷ đồng và hứa bố trí cho Công ty Licogi 13 tham gia thi công tại một số dự án. Do biết Hệ là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc - người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng, có nhiều mối quan hệ, có thể hỗ trợ công ty trong công việc trước mắt và lâu dài nên ông Thăng đồng ý và nói sẽ xin ý kiến HĐQT.
Điều chỉnh gói thầu để “nhóm lợi ích” cùng ăn
Ngày 15/10/2013, ông Thăng ký tờ trình gửi ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Licogi 13, nội dung: “Có khách hàng có nhu cầu mua căn biệt thự BT01 tai dự án khu nhà ở. Khách hàng trên là đối tác, có mối quan hệ tốt với công ty, có thể hỗ trợ công ty trong hoạt động tìm kiếm và khai thác việc trước mắt và lâu dài. Ban Tổng giám đốc kính trình Chủ tịch HĐQT xem xét, phê duyệt giá bán căn biệt thự với giá 15 tỷ đồng”. Sau đó, Công ty Licogi 13 bán cho Hệ căn biệt thự nêu trên với giá hơn 15 tỷ đồng và Hệ nộp hơn 1 tỷ để đặt cọc.
Đầu năm 2014, Hệ điện cho ông Thăng thông báo có dự án BOT cầu Việt Trì (mới), thống nhất cho Công ty Licogi 13 tham gia thi công. Hệ chỉ đạo Trần Văn Lâm và Vũ Thị Hoan ký biên bản thỏa thuận nguyên tắc giữa các nhà đầu tư, phân chia gói thầu xây lắp XL01 thành 3 gói thầu và phân công: Cienco 1 thi công toàn bộ trụ T7, T8, T9 và cầu bờ dẫn bờ Phú Thọ với giá trị tạm tính 464 tỷ đồng; Công ty Yên Khánh thi công kết cấu cầu dẫn bờ Vĩnh Phúc, cầu dẫn vượt đường sắt, cầu vượt kênh với giá trị tạm tính 415 tỷ đồng; Công ty Thái Sơn -Bộ Quốc phòng thi công đường dẫn cầu bờ Vĩnh Phúc, đường dẫn cầu bờ Phú Thọ và Trạm thu phí với giá trị tạm tính 224 tỷ đồng.
Ngày 26/3/2014, Công ty BOT cầu Việt Trì có tờ trình gửi Ban Quản lý Thăng Long đề xuất điều chỉnh gói thầu XL01 thành 3 gói thầu và xin chỉ định thầu. Ngày 8/4/2014, Bộ GTVT có quyết định 3835/BGTVT-CQLXD chấp thuận điều chỉnh gói thầu XL01 thành 3 gói thầu: XL01-1, XL01-2, XL01-3, cho phép chỉ định thầu gói thầu XL01-2 và XL01-3. Tiếp đó, Hệ chỉ đạo ông Trần Văn Lâm đưa Công ty Licogi 13 vào liên danh nhà thầu. Sau đó ông Lâm làm việc với ông Phạm Văn Thăng và ông Cao Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm đấu thầu và xây lắp Công ty Licogi 13 để lập hồ sơ thành lập liên danh nhà thầu xin chỉ định gói thầu XL01-3.
Lại quả 3,4 tỷ đồng
Do Công ty Licogi 13 không có khả năng thi công hạng mục cầu và Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng không có năng lực thi công, nên ông Thăng và ông Lâm đề nghị Hệ đưa Công ty CP Xây dựng Thăng Long 6 tham gia thi công hạng mục cầu, đưa Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng xuống làm nhà thầu phụ của Công ty Licogi 13 và được Hệ đồng ý.
Ngày 15/4/2014, Công ty BOT cầu Việt Trì và liên danh nhà thầu ký hợp đồng nguyên tắc về việc thi công gói thầu XL01-3. Do Đinh Ngọc Hệ đã có chủ trương cho liên danh nhà thầu trúng chỉ định thầu gói XL01-3, nên sau khi ký hợp đồng nguyên tắc, Công ty BOT cầu Việt Trì đã để liên danh nhà thầu triển khai thi công, đồng thời Công ty BOT cầu Việt Trì và liên danh phải hoàn thiện hồ sơ xin chỉ định thầu.
Để hợp thức thủ tục chỉ định thầu, ngày 25/9/2014 ông Trần Văn Lâm đại diện liên danh nhà đầu tư ký văn bản gửi Công ty BOT cầu Việt Trì đề nghị cho chỉ định gói thầu XL01-3. Sau đó bằng nhiều công văn qua lại, Công ty BOT cầu Việt Trì ra thông báo chọn liên danh nhà thầu tham gia thi công gói thầu XL01-3, với tổng giá trị hơn 436 đồng. Dự án BOT cầu Việt Trì (mới) được khởi công ngày 30/11/2013, hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 19/5/2015, hoàn thành và nghiệm thu, đưa vào thu phí từ ngày 7/12/2015. 
Sau khi được tham gia thi công gói thầu XL01-3, ngày 10/9/2014 ông Phạm Văn Thăng đại diện Công ty Licogi 13 và vợ Đinh Ngọc Hệ ký hợp đồng mua bán căn biệt thự BT01 (diện tích 143,5m2), với giá hơn 15 tỷ đồng. Còn theo quyết định của Công ty Licogi 13, giá bán biệt thự BT01 là 18,4 tỷ đồng.
Vụ việc trên, Cơ quan điều tra xác định Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng có phần vốn góp chi phối để tác động đến những người có chức vụ, quyền hạn tại Công ty CP BOT Việt Trì cho Công ty Licogi 13 được thi công hai hạng mục trong gói thầu XL01-3, để trục lợi số tiền chênh lệch giữa giá bán theo quy định với giá bán căn biệt thự trên là 3,4 tỷ đồng.