Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm: Út "trọc" lừa đảo như thế nào?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.

“Biến lỗ thành lời” hơn trăm tỷ để được đấu giá
Trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, SN 1971, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị xử 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. 12 đồng phạm của Út “Trọc” bị xử tội “Lừa đảo...” với số tiền hơn 725 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (bìa trái) cùng bị cáo nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (thứ 2 từ phải sang), tại phiên tòa ngày 14/12.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao nhận định: Từ tháng 2/2012, khi được bị cáo Đinh La Thăng (lúc đó là Bộ trưởng Bộ GTVT), cho biết việc bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (QTP cao tốc) và gọi điện cho bị cáo Dương Tuấn Minh (SN 1957, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) để yêu cầu hỗ trợ và cho công ty của Hệ tham gia đấu giá.
Sau đó, Hệ và bị cáo Phạm Văn Diệt (SN 1972, đã bị Tòa án Quân chủng Hải quân xử 15 năm tù về tội “Lừa đảo...”) gặp gỡ trao đổi với Minh, được xem quy chế bán đấu giá QTP cao tốc. Út “Trọc” đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An do mình làm chủ để tham gia mua đấu giá QTP cao tốc.
Theo đó, Út “Trọc” biết rõ quy định bắt buộc để được tham gia mua đấu giá, phải có năng lực tài chính, không bị thua lỗ trong 2 năm liên tiếp. Trong khi đó, Công ty Yên Khánh thua lỗ 262 triệu và 2,4 tỷ đồng trong 2 năm 2011 - 2012, Hệ chỉ đạo bị cáo Tô Phước Hùng (SN 1970, kế toán trưởng công ty) sửa chữa số liệu báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi hơn 68 tỷ và 73 tỷ đồng; Giao bị cáo Phạm Tấn Hoàng (SN 1985, Phó phòng kế toán Công ty Yên Khánh) sửa chữa số liệu báo cáo tài chính của Công ty Khánh An để bị cáo Vũ Thị Hoan (SN 1985, đã bị Tòa án Quân chủng Hải quân xử phạt sơ thẩm 7 năm tù về tội “Lừa đảo...”, cháu ruột Hệ, giám đốc Công ty Yên Khánh) và Lê Thị Thảo (Kế toán Công ty xăng dầu Thái Sơn, giám đốc Công ty Khánh An) ký tên, đóng dấu. Sau đó hồ sơ đem tới UBND phường 2, quận 4 (TP Hồ Chí Minh) sao y chứng thực.
Tiếp đó, Hệ sai nhân viên nộp hồ sơ tham giá đấu giá gồm 2 báo cáo tài chính (đã sửa) và 2 báo cáo kiểm toán giả để tham gia mua đấu giá.
Chuyển làn xe để giấu bớt doanh thu
Tại cao tốc, việc thu phí được quản lý bởi phần mềm thu phí ITD của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, được cài đặt tại 4 trạm thu phí trên tuyến cao tốc, gồm: Trạm Chợ Đệm (trạm Trung tâm tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh); Trạm Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang); Trạm Tân An (Long An) và Trạm Bến Lức (Long An). Số tiền thu phí được xác định theo loại xe, quãng đường di chuyển.
Theo hợp đồng mua bán QTP cao tốc, Công ty Yên Khánh không được tự ý cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trạm thu phí, không được cải tạo nâng cấp công nghệ thu phí, định kỳ mỗi năm 2 lần phải báo cáo Tổng Công ty Cửu Long doanh thu thu phí, tình hình bảo quản, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản, thiết bị đã nhận bàn giao, cung cấp các số liệu về số liệu đầu xe, số liệu thu phí và các số liệu phục vụ quản lý đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Dù biết rõ quy định này, nhưng Hệ chỉ đạo Diệt, Hùng và nhân viên Công ty Yên Khánh thực hiện thủ đoạn gian dối để cắt giảm, che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí. Trong giai đoạn đầu (năm 2014), Công ty Yên Khánh chỉ sử dụng phần mềm ITD đã được cài đặt sẵn vào những ngày lễ, tết, cuối tuần và những ngày có nhiều phương tiện qua trạm. Lãnh đạo chi nhánh Công ty Yên Khánh tại Long An chỉ đạo nhân viên Trạm Chợ Đệm, Thân Cửu Nghĩa chuyển làn xe “vào” thành làn “ra” và thực hiện việc thu phí không qua hệ thống phần mềm quản lý ITD (thu phí thủ công).
Khi hết ca, nhân viên thu phí ở các làn xe “ra” kê số lượng tiền thu phí vào biên lai thu, nộp tiền cho thủ quỹ trạm, có sự tham gia đối chiếu của nhân viên giám sát làn thu phí và ký nhận giữa ba người vào biên lai thu tiền và lập báo cáo thu phí. Đối với số tiền thu phí thủ công được lập thành biên lai riêng và lập thành báo cáo thu tiền..., sau đó báo cáo với Cơ quan thuế và Tổng Công ty Cửu Long.
Khoảng cuối năm 2014 đầu năm 2015, số liệu thu phí thực tế rất cao, việc giảm doanh thu bằng phương pháp thủ công không hiệu quả, nên Hệ đã họp với Diệt, Hùng cùng một số người và chỉ đạo phải làm giảm doanh thu tại 4 trạm. Mục đích việc làm giảm doanh thu nhằm chiếm đoạt tiền và có cớ sau khi hết thời gian thu phí 5 năm, sẽ báo cáo lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí hoặc được ký hợp đồng mua QTP cao tốc với giá mua thấp.
Dùng phần mềm sửa vé đã sử dụng
Sau đó, Hùng liên hệ bị cáo Nguyễn Xuân Hiền (SN 1978, Giám đốc Công ty Xuân Phi, ngành nghề tin học viễn thông, phần mềm máy tính) để thuê Hiền viết phần mềm sửa số seri vé nhằm cắt giảm doanh thu của tuyến cao tốc với giá 15 triệu đồng. Hùng chỉ đạo bị cáo Trần Văn Miền (SN 1988, Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An) để Hiền và bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân (SN 1979, Phó Giám đốc Công ty Xuân Phi) tới Trạm Chợ Đệm xem xét máy móc, thiết bị tại phòng máy chủ, phòng hậu kiểm, khảo sát quy trình thu phí, làn xe “ra” và “vào”.
Khi viết xong phần mềm, Vân giao cho Miền và hướng dẫn cách sử dụng (phần mềm Xuân Phi), lúc này Hùng giao cho bị cáo Lê Thị Những (SN 1988, nhân viên Công ty CP Đức Bình, là công ty con của Công ty Yên Khánh) và bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ (SN 1985, kế toán Công ty Yên Khánh) cài đặt, chạy thử phần mềm. Sau đó Miền chỉ đạo nhân viên đi nhặt vé do các tài xế quẳng xuống đường và nhập lại số seri của vé nhặt. Hàng tháng trên cơ sở số liệu báo cáo của 4 trạm, tổ kế toán chi nhánh Long An tổng hợp số tiền thu phí của từng trạm theo tháng thể hiện trên phần mềm ITD và số liệu thu tiền theo phần mềm Xuân Phi để báo cáo bị cáo Ngô Bá Thắng (SN 1957, Giám đốc Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An) rồi gửi về công ty mẹ.
Đến khoảng tháng 4/2017, doanh thu thực tăng cao trong khi lượng vé thu phí do lái xe bỏ lại trạm gom nhặt được không đủ để dùng vào việc cắt giảm doanh thu, vì phần mềm Xuân Phi chỉ có chức năng in vé có số seri của vé đã dùng, Miền báo cáo Hùng nâng cấp phần mềm để cắt giảm doanh thu nhiều hơn nữa.
Điều chỉnh tùy hứng để chiếm đoạt 725 tỷ đồng
Khi được thuê viết tiếp phần mềm, Hiền đưa ra phương án copy đè lượt xe có mệnh giá vé “nhỏ” cho lượt xe mệnh giá vé “lớn” từ làn khác sang, để thay đổi mệnh giá vé. Giá viết phần mềm lần này 120 triệu đồng.
Viết xong phần mềm thứ hai, Vân giao cho Miền cùng hướng dẫn việc lấy dữ liệu mệnh giá vé trong sơ sở dữ liệu đã có sẵn; Chọn thời gian để lấy số lượng, mệnh giá vé cần chuyển đổi; Chọn tỷ lệ phần trăm số vé cần thay đổi mệnh giá (muốn chọn tỷ lệ phần trăm thế nào tùy ý của người sử dụng phần mềm); Thực hiện thay đổi mệnh giá vé “cao” xuống “thấp” trong tỷ lệ phần trăm đã chọn; Lấy biển số xe, số lượng xe của ngày trước (đã thu phí) chồng lên biển số xe, số lượng của ngày cần thay đổi.
Để che giấu hành vi cắt giảm doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí, theo sự chỉ đạo của Hệ từ trước, vào đầu năm 2018 Hùng tiếp tục liên hệ Hiền để xóa dữ liệu trên hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu thu phí thực tế từ năm 2016 trở về trước rồi cho máy tính chạy thử, nếu thành công thì xóa tiếp dữ liệu từ năm 2017 trở về sau.
Thông qua phần mềm Team View, bị cáo Vân đã điều khiển từ xa việc xóa dữ liệu trên các máy chủ. Tổng dung lượng dữ liệu Vân đã xóa khoảng 20GB, trên 10 máy chủ (mỗi trạm có 2 máy chủ, ngoài ra còn có 2 máy chủ trung tâm đặt tại Trạm Chợ Đệm). Trước khi xóa dữ liệu, Vân sao lưu vào trong 4 ổ đĩa để tại phòng làm việc của Miền.
Khoảng tháng 10/2018, Miền tiếp tục liên hệ Hiền với yêu cầu viết phần mềm in lại vé để phục vụ việc báo cáo thuế. Tuy nhiên, Công ty Yên Khánh chưa kịp sử dụng phần mềm này thì ngày 26/12/2018, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam các bị can và khi khám xét phòng làm việc của Miền đã thu giữ 4 ổ đĩa. Quá trình điều tra, trên cơ sở dữ liệu điện tử trên ổ cứng thu được, Cơ quan điều tra xác định doanh thu thu phí thực tế từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2018 tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hơn 3.266 tỷ đồng, nhưng đã bị Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm dùng phần mềm điều chỉnh xuống còn hơn 2.541 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.
Thế chấp hợp đồng QTP cao tốc để trả tiền đấu giá

Sau khi trúng đấu giá QTP cao tốc với giá hơn 2.004 tỷ đồng, và ký hợp đồng chuyển giao QTP cao tốc. Do không có khả năng tài chính để thanh toán, Hệ đã chỉ đạo dùng chính hợp đồng mua QTP cao tốc và thửa đất diện tích 3.531m2, thế chấp tại BIDV chi nhánh Thành Đô vay hơn 1.703 tỷ đồng để trả tiền trúng đấu giá. Số tiền còn thiếu, Hệ chỉ đạo Diệt, Hùng lấy từ nguồn thu phí trả cho Tổng Công ty Cửu Long.