Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử phúc thẩm đại án tại Oceanbank: Có cơ sở để Nguyễn Xuân Sơn thoát án tử hình

Thiên Bình - Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/5 vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Đáng chú ý, HĐXX đã tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank nhưng lại kiến nghị Chánh án TAND Tối cao sớm xem xét giảm hình phạt cho bị cáo này xuống chung thân sau khi khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả. Vậy, liệu bị cáo Sơn có thoát được án tử nếu khắc phục 3/4 hậu quả hay không sẽ được chúng tôi làm rõ trong bài viết dưới đây.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa phúc thẩm
Đề nghị giảm án từ tử hình xuống chung thân
Kết thúc quá trình xét xử phúc thẩm, HĐXX nhận định, bị cáo Sơn không oan nên giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, HĐXX cũng thấy rằng, bị cáo Sơn đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng nhất là trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Bên cạnh đó, bản thân bị cáo Sơn và gia đình đã có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng…

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 2/5, vợ bị cáo Sơn là bà Võ Thị Thanh Xuân đã nộp 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả thay chồng để bồi hoàn cho PVN. Ngoài ra, bị cáo Sơn còn nhiều tài sản nhưng đang bị kê biên và cũng có đơn xin khắc phục hậu quả của bố, mẹ, vợ của bị cáo. Đồng thời, bị cáo Sơn đã thể hiện ý thức sớm được khắc phục hậu quả.

Với những nhận định và nhiều tình tiết giảm nhẹ nêu trên, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, HĐXX phúc thẩm kiến nghị cơ quan thi hành án dân sự TP Hà Nội cần khẩn trương hướng dẫn phân định tài sản để gia đình bị cáo Sơn xác nhận được số tài sản hợp pháp và có điều kiện để khắc phục hậu quả. Đặc biệt, HĐXX còn kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo này khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả (tương đương 37 tỷ đồng - PV) theo đúng quy định tại điểm c, khoản 3 và khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Thái San)
Cách nào thoát án tử?

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho hay, do bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay nên bị cáo Sơn sẽ hết cơ hội kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, vẫn còn 3 cách để bị cáo Sơn có thể thoát án tử. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì không thi hành án tử hình. Với quy định này, để thoát án tử hình, người nhà bị cáo Sơn cần tích cực khắc phục hậu quả ít nhất 3/4 số tài sản đã chiếm đoạt để làm căn cứ cho Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại hồ sơ vụ án, kháng nghị theo hướng sửa án giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân. Thời gian khắc phục nằm trong khoảng thời gian Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại hồ sơ vụ án theo Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Bên cạnh đó, bị cáo Sơn có thể gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tuyên án. Sau khi Chủ tịch nước xem xét đơn sẽ quyết định có ân xá hay không. Trong trường hợp này, bị cáo Sơn và người nhà không bắt buộc phải khắc phục 3/4 số tài sản đã chiếm đoạt. Ngoài ra, bị cáo Sơn và người nhà có thể tiếp tục gửi đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo Điều 372, Điều 399 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm 1 năm kể từ ngày tuyên án và tái thẩm là không xác định thời hạn.

Từ những phân tích trên, luật sư Nguyễn Đào Tơ cho rằng, có cơ sở để bị cáo Sơn “thoát” án tử hình nếu thực hiện theo một trong ba phương án trên. Trong đó, phương án “tối ưu” nhất là người nhà bị cáo Sơn cần tích cực khắc phục ít nhất 3/4 số tài sản đã chiếm đoạt để làm căn cứ xem xét giảm án theo quy định.