Tham ô hơn 13,3 tỷ đồng
Sáng 8/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại SAGRI, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
Vụ án này được dư luận khá quan tâm, vì trong 19 bị cáo có nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng bị xét xử. Bị cáo Lê Tấn Hùng (SN 1963, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI), ngoài việc bị Viện KSND Tối cao truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, còn bị truy tố tội “Tham ô tài sản” cùng 6 đồng phạm: Nguyễn Thị Thúy (SN 1966, nguyên Kế toán trưởng SAGRI); Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1980, nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI); Trần Văn Trường (SN 1976, nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch TNXP); Đỗ Sĩ Hoài Thanh (SN 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Du lịch TNXP); Đoàn Quang Hồi (SN 1972, nguyên Giám đốc Công ty Lữ hành Hòa Bình quốc tế); Nguyễn Thị Nguyên (SN 1968, nguyên Kế toán trưởng Công ty Lữ hành Hòa Bình quốc tế).
Theo cáo trạng, do có cần tiền để sử dụng cá nhân và sử dụng chi tiêu không cần chứng từ liên quan hoạt động của SAGRI. Cuối tháng 8/2016 và tháng 10/2016, Lê Tấn Hùng bàn bạc, chỉ đạo Thúy và Mai liên hệ Công ty du lịch TNXP và Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế lập hồ sơ ký khống 10 hợp đồng cho cán bộ SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để chiếm đoạt 13.346.990.000 đồng của SAGRI.
Thực hiện chỉ đạo, Thúy và Mai liên hệ, bàn bạc với Trường, Thanh và Hồi, Nguyên thống nhất lập hồ sơ giả, ký khống 10 hợp đồng tham quan nước ngoài, thực tế không đưa bất cứ ai đi du lịch. Sau đó các bên hợp thức chứng từ, SAGRI chuyển tiền cho 2 công ty du lịch theo giá trị các hợp đồng, 2 công ty du lịch rút tiền ra chuyển lại cho SAGRI để chia nhau.
7 bị cáo tham ô như thế nào?
SAGRI ký khống 6 hợp đồng với Công ty Du lịch TNXP với tổng số tiền 4.970.900.000 đồng. Cụ thể, cuối tháng 8/2016, Lê Tấn Hùng gọi điện thoại cho Trường đến trụ sở SAGRI ở quận Bình Thạnh để cùng với Thúy, Mai thống nhất cách thức ký hợp đồng khống. Từ ngày 20/9/2016 đến 17/11/2016, Trường - Thanh - Thúy và Mai thông qua thư điện tử trao đổi nội dung hợp đồng cũng như thời gian ký hợp đồng…, vào khoảng từ ngày 17/11/2016 đến 24/11/2016. Nhưng lại ghi vào các ngày của tháng 9, 10 và 11/2016.
Hợp đồng thứ nhất ký ngày 5/9/2016, nội dung “Bên A nhận tổ chức cho bên B chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm tại Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức. Thời gian 8 ngày 7 đêm, với 18 người, khởi hành ngày 17/9/2016, ngày kết thúc 24/9/2016. Tổng giá trị hợp đồng 1.024.200.000 đồng”.
Cũng trong ngày 5/9/2016 giữa 2 bên còn ký hợp đồng đưa 19 người du lịch nước ngoài với số tiền 1.005.100.000 đồng. Ngày 27/9/2016, ký tiếp hợp đồng đưa 13 người sang Nam Phi - Dubai trong thời gian 11 ngày 10 đêm, với giá 907.400.000 đồng.
Sau khi ký khống 6 hợp đồng du lịch, trong các ngày 25/11/2016 và 9/12/2016, Lê Tấn Hùng, Nguyễn Thị Thúy đã ký 6 lệnh chỉ chuyển cho Công ty Du lịch TNXP số tiền 4.970.900.000 đồng. Về phía Công ty Du lịch TNXP xuất hóa đơn GTGT cho SAGRI, rồi sau đó hai bên ký thanh lý hợp đồng.
Đối với 4 hợp đồng du lịch ký khống với Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế có tổng giá trị 8.376.000.000 đồng, cũng dùng phương thức, thủ đoạn như với Công ty Du lịch TNXP. Theo đó, tháng 10/2016, Nguyễn Thị Nguyên (Em gái ruột của Nguyễn Thị Thúy), nhờ Thúy xin Lê Tấn Hùng cho Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế được ký hợp đồng. Sau khi Thúy báo cáo, Hùng đồng ý ký 4 hợp đồng khống với Công ty du lịch này, có trị giá từ 7 - 8 tỷ đồng.
Sau khi được Thúy bày cho cách thức thanh toán, Nguyên báo cáo Đoàn Quang Hồi và thống nhất chỉ đồng ý chuyển lại cho SAGRI 70% tổng trị giá hợp đồng, Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế giữ lại 30% và còn được hưởng 10% từ số tiền chuyển lại cho SAGRI, nên Hồi đồng ý.
Ngày 3/10/2016, Lê Tấn Hùng và Đoàn Quang Hồi ký hợp đồng số 211016/PIT-DLNN, nội dung: “Bên A nhận tổ chức cho bên B chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm tại Mỹ, thời gian 11 ngày 10 đêm, với 30 người. Ngày khởi hành 21/10/2016, ngày kết thúc 31/10/2016. Tổng giá trị hợp đồng 2,4 tỷ đồng”. Đối với hợp đồng khống thứ 2, 3 và 4 cũng với thủ đoạn vẽ ra đất nước sẽ đi, thời gian đi về, số lượng người, số tiền.
Đến ngày 13/12/2016, Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thị Thúy ký 4 lệnh chi chuyển từ tài khoản của SAGRI đến tài khoản Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế 8.376.000.000 đồng. Sau đó công ty du lịch xuất hóa đơn GTGT, rồi cả 2 bên ký thanh lý hợp đồng.
Chia chưa hết tiền tham ô, đã bị phát hiện
Sau khi thanh toán đủ tiền cho những chuyến du lịch “ma”, ngày 27/12/2016, Lê Tấn Hùng chỉ đạo Mai, và Mai chỉ đạo Lê Thị Diệp Cẩm (Phó Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI) đi cùng Thúy sang Công ty Du lịch TNXP nhận tiền theo thỏa thuận. Trần Văn Trường chỉ đạo Thanh chuyển lại 70% giá trị của 6 hợp đồng là 3.479.630.000 đồng, trích lại 10% của 70% chuyển lại là 347.963.000 đồng để chia nhau và giao 3.131.667.000 đồng tiền mặt cho Thúy, Cẩm. Số tiền 30% còn lại của 6 hợp đồng, Trường giữ lại Công ty du lịch TNXP vì hai bên chưa thống nhất chia nhau. Ngay sau khi nhận 3.131.667.000 đồng, Thúy cùng Cẩm đến ngân hàng mở 2 thẻ tiết kiệm có kỳ hạn mang tên Cẩm (Thẻ 1,5 tỷ đồng, thẻ 1,630 tỷ đồng).
Đối với 8.376.000.000 đồng SAGRI chuyển cho Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế, sau đó Lê Tấn Hùng cũng chỉ đạo Mai, Thúy liên hệ với công ty này để lấy lại số tiền theo thỏa thuận. Khi được Nguyên báo cáo, Đoàn Quang Hồi ký séc cho chị Nguyễn Thị Nguyên Hương (Thủ quỹ) ra ngân hàng rút 8,4 tỷ đồng, giao cho Mai 5.863.200.000 đồng (70% của 4 hợp đồng). Nhận được 5.863.200.000 đồng, Mai đứng tên mở 2 thẻ tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng (Thẻ 3 tỷ đồng và thẻ 2.863.200.000 đồng).
Với 2 khoản tiền hơn 13,3 tỷ đồng mà Lê Tấn Hùng cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi du lịch “khống” tại 2 công ty du lịch, cáo trạng xác định từ ngày 19/1/2017 đến 3/4/2017, Lê Tấn Hùng chỉ đạo Thúy, Mai và Cẩm rút hết tiền đã gửi tiết kiệm được tổng cộng 3.155.810.122 đồng (3.130.000.000 đồng tiền gốc + 25.810.122 đồng tiền lãi) là 70% tiền Công ty Du lịch TNXP trả lại. Tương tự, đối với 5.863.200.000 đồng (70% số tiền hợp đồng với Công ty Lữ hành Quốc tế), từ ngày 19/4/2017 đến 21/7/2017, Lê Tấn Hùng chỉ đạo Mai cùng Thúy rút hết từ ngân hàng, lúc này được 6.037.829.180 đồng (5.863.200.000 đồng tiền gốc + 174.629.180 đồng lãi).
Cả 2 khoản tiền trên sau khi rút về, Lê Tấn Hùng giao cho Thúy và Mai quản lý, không thể hiện trong hệ thống sổ sách kế toán của SAGRI. Lê Tấn Hùng chỉ đạo chi hết 3.981.305.400 đồng cho cá nhân mình tiêu xài và một số khoản chi theo lệnh của Hùng không có hóa đơn chứng từ, số còn lại chưa sử dụng hết.
Cáo trạng cũng xác định Công ty Du lịch TNXP chỉ chuyển lại cho SAGRI 63% tổng giá trị hợp đồng (3.131.667.000 đồng), Trường và Thanh chiếm hưởng 347.963.000 đồng (7% tổng giá trị hợp đồng). Trường và Thanh vẫn giữ lại 30% tổng giá trị hợp đồng là 1.491.270.000 đồng. Đối với Đoàn Quang Hồi, Nguyễn Thị Nguyên (Công ty Lữ hành Quốc tế Hòa Bình) được hưởng 10% số tiền chuyển lại là 586.320.000 đồng, giữ lại chưa trả cho SAGRI 30% tổng giá trị hợp đồng là 2.512.800.000 đồng. Cả 2 số tiền 30% do 2 công ty du lịch giữ lại của SAGRI, các đối tượng chưa kịp chia nhau thì SAGRI bị Thanh tra nên đã thống nhất hợp thức hóa chứng từ nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Trước đó sáng 6/12, phiên tòa đã mở nhưng bị cáo Hồ Văn Ngon (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc SAGRI) có đơn xin hoãn phiên tòa do bị bệnh. Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do chồng mắc Covid-19 (F0), bị cáo trở thành F1, đang trong thời gian cách ly. Do đó Tòa án tạm dừng để xác minh trường hợp bị cáo Ngon. |