Xét xử vụ án Alibaba: Đề nghị mức chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài mức án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị mức án dành cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) là 30 năm tù.

Sau 1 tuần xét hỏi gần 4.000 bị hại, ngày 19/12 TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án với phần luận tội của đại diện Viện KSND TP đối với 23 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, ngụ TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, được xác định cầm đầu cùng 19 bị cáo khác bị xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, có mức án từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) bị đề nghị mức án chung thân.  
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) bị đề nghị mức án chung thân.  

Đại diện Viện KSND khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Mục đích sử dụng các loại đất đều do Nhà nước quyết định. Lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư vào đất đai, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Alibaba vào năm 2016 và sau đó chỉ đạo nhân viên lập thêm 22 công ty con nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

22 pháp nhân được thành lập theo chỉ đạo của Luyện đều do vợ, em ruột hoặc nhân viên thân tín của Luyện đứng tên làm người đại diện theo pháp luật. Việc lập những công ty này nhằm mục đích mua số lượng lớn đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lúa… tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Sau khi nhận chuyển nhượng có công chứng hoặc chưa hoàn tất thủ tục công chứng, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo giám đốc 22 pháp nhân vẽ ra 58 dự án “ma” tại các địa phương nêu trên, rồi tách thửa, phân lô, bán đất nền đất khi chưa được Nhà nước cho phép.

Sau khi vụ án xảy ra, qua xác minh tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Thuận đều khẳng định 58 dự án do Công ty Alibaba và 22 công ty con lập ra chưa được Nhà nước cấp phép.

Tất cả 22 công ty con của Công ty Alibaba đều không có hoạt động kê khai, báo cáo hay nộp thuế kinh doanh, không phát sinh doanh thu độc lập, chỉ khai báo nộp thuế môn bài. Tất cả 58 dự án đều được vẽ trên đất nông nghiệp, nhưng Luyện chỉ đạo bộ phận truyền thông của Công ty Alibaba quảng cáo gian dối trên các trang web, mạng xã hội là đất thổ cư để khách hàng tin tưởng đầu tư và bị lừa.

Cả 22 pháp nhân do Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo lập ra đều đăng ký vốn điều lệ hàng chục tỷ đồng, nhưng thực chất các bị cáo là đại diện pháp nhân đều khai không góp vốn, làm theo chỉ đạo của Luyện.

Đại diện Viện KSND cũng chỉ ra trong quá trình xét xử, bị cáo Luyện luôn đưa các quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… nhằm biện minh cho việc lừa đảo. Trong quá trình điều tra và tại tòa, Luyện khẳng định không chiếm đoạt tiền của ai, nhưng nhiều bị hại trong phần xét hỏi đã khai không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như tiền lãi theo hợp đồng đã ký kết.

Từ những lập luận nêu trên, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện án chung thân, 19 bị cáo cùng tội danh với Luyện bị đề nghị từ 12-20 năm tù.

Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, vợ Nguyễn Thái Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 12 - 14 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp mức án là 30 năm tù. Cùng 2 tội danh như bị cáo Mai là Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện) bị đề nghị theo thứ tự là 20 năm tù và từ 10-12 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán) bị đề nghị từ 5-6 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới bồi thường cho 4.560 bị hại hơn 2.462 tỷ đồng. Buộc bị cáo Mai phải nộp lại 13 tỷ đồng thu lợi bất chính.