Triệu tập 2.502 tổ chức, cá nhân nhưng chỉ có 81 người đến tòa
Trong 86 bị cáo, Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) được xác định chủ mưu.
Các bị cáo bị xét xử theo truy tố của Viện KSND Tối cao, gồm các tội danh: “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (theo điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999); “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” (theo điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015); “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong buổi xét xử đầu tiên, HĐXX dành cả buổi sáng cho đến trưa để thẩm vấn lý lịch 86 bị cáo; kiểm tra lý lịch các bị hại, tổ chức và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (tổng cộng 2.502 tổ chức, cá nhân được HĐXX triệu tập nhưng chỉ có 81 tổ chức, cá nhân có mặt); giải thích quyền và nghĩa vụ các bị cáo.
Trong 86 bị cáo, có 5 bị cáo đã bỏ trốn từ trước phiên tòa diễn ra và đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã. Trước phiên xét xử, tòa án đã có thông báo kêu gọi 5 bị can bỏ trốn ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng, nhưng đến ngày xét xử, 5 đối tượng này không đầu thú nên HĐXX quyết định xử vắng mặt.
Sau phần thẩm tra lý lịch của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. HĐXX cho phép luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi của bị hại…, nêu ý kiến.
Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX cần triệu tập thêm đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 1 công ty để các luật sư hỏi. Cũng theo luật sư Hoài, do thời gian xét xử vụ án kéo dài, cho phép luật sư bào chữa được gặp và trao đổi với bị cáo mà mình bào chữa. Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, mong HĐXX cho phép bị cáo ngồi vì lý do sức khỏe.
Luật sư Lê Hồng Nguyên đề nghị HĐXX trong quá trình xét hỏi tạo điều kiện cho luật sư tham gia xét hỏi theo trình tự cuốn chiếu; đề nghị trong thời gian xét xử, HĐXX cho phép thân nhân các bị cáo nếu có nhu cầu khắc phục hậu quả vụ án thì cho họ khắc phục. Luật sư Nguyên cũng đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho gặp bị cáo trong giờ giải lao.
Căn cứ diễn biến phiên tòa, có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian
Luật sư Nguyễn Thị Tường Anh (bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan), để nghị HĐXX cho phép tiếp cận bị cáo Chu Lập Cơ và đề nghị tạo điều kiện cho bị cáo này được phép ngồi khi bị xét xử.
Riêng luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí) cho rằng, bị cáo Trí bị bệnh liên quan cột sống, do đó đề nghị HĐXX cho phép bị cáo Trí vắng tại những phiên tòa không liên quan bị cáo này, và cho bị cáo được ngồi trong phiên xét xử.
Còn luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) đề nghị HĐXX cung cấp giấy bút cho bị cáo Lan để bị cáo này viết câu trả lời trong phiên xét xử.
Một số luật sư khác đề nghị HĐXX cho biết ngày nghỉ trong tuần, thời gian làm việc hàng ngày; biện pháp thẩm vấn để luật sư chủ động và đảm bảo sức khỏe…
Trước những đề nghị của các luật sư, thẩm phán Phạm Lương Toản - Chủ tọa phiên tòa cho biết, trong vụ án này có gần 200 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Đối với những bị cáo có bệnh, luật sư bào chữa cần đưa yêu cầu cho HĐXX; HĐXX cũng chấp nhận cho bị cáo Nguyễn Cao Trí được ngồi mà không phải đứng khi tham dự phiên tòa.
Đối với đề nghị cấp giấy bút cho bị cáo Trương Mỹ Lan, chủ tọa Phạm Lương Toản cho rằng chỉ khi được sự đồng ý của cảnh sát bảo vệ thì mới cấp giấy bút, vì liên quan đến vấn đề an ninh phiên tòa.
“HĐXX căn cứ diễn biến của phiên tòa nên không có hình mẫu, do đó tất cả các luật sư tham gia phiên tòa phải có mặt trong tất cả các buổi làm việc. HĐXX làm việc từ ngày 5/3, dự kiến đến hết ngày 29/4 theo kế hoạch; trường hợp diễn biến tranh tụng nhanh hơn, thì có thể kết thúc phiên tòa trước ngày 29/4, nếu kéo dài thì kéo dài qua ngày 29/4; trường hợp cần thiết thì sẽ xét xử cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Để đảm bảo sức khỏe của các bị cáo (bị cáo bị tạm giam), các bị cáo được phép tiếp xúc với luật sư trong giờ nghỉ giải lao giữa buổi sáng và buổi chiều. Theo đó, buổi sáng xét xử từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút; buổi chiều xét xử từ 14 giờ đến 17 giờ 30 phút. Đối với những bị cáo được tại ngoại, phải có mặt trong suốt các buổi tòa xét xử. Về đề nghị cho thân nhân bị cáo được khắc phục hậu quả thì HĐXX luôn luôn tạo điều kiện cho tất cả các bị cáo thực hiện việc này”, thẩm phán Phạm Lương Toản nói.
Về đề nghị của một số luật sư xin vắng mặt tại một số buổi xét xử khi không có thân chủ của mình, đồng thời họ còn phải tham gia một số phiên tòa khác trong thời gian diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan. Chủ tọa Phạm Lương Toản khẳng định, luật sư bào chữa cho thân chủ của mình muốn vắng mặt phải có đề nghị và phải được HĐXX xem xét, khi chấp thuận mới được vắng mặt.